Theo ĐH Đà Nẵng thì một trong những mục đích của quy định mới này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự dịch chuyển sinh viên giữa các trường thành viên; khuyến khích sự hợp tác đào tạo và khai thác nguồn lực chung toàn ĐH Đà Nẵng.


Suy nghĩ thấu đáo trước khi chọn học lấy “bằng kép” - Ảnh 1
HS tham gia tư vấn hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh 2011

Đối tượng đào tạo chương trình thứ 2 là sinh viên chính quy của trường; đã kết thúc học kỳ thứ nhất của năm học đầu tiên; không thuộc xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất tại thời điểm đăng ký học chương trình thứ hai; không đang theo học chương trình thứ 2 khác tại một trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng; có điểm thi tuyển sinh không thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường hoặc không thấp hơn điểm trúng tuyển vào ngành đối với các trường lấy điểm chuẩn theo ngành đăng ký học chương trình thứ hai vào năm sinh viên trúng tuyển; ngành đào tạo chương trình thứ 2 phải khác ngành đào tạo ở chương trình thứ nhất và cùng khối thi tuyển sinh. Nếu khác khối thi chỉ được học theo hình thức vừa làm vừa học; trình độ đào tạo ở chương trình thứ hai không cao hơn trình độ đào tạo ở chương trình thứ nhất.


Sớm hơn ĐH Đà Nẵng, từ năm học 2008-2009 ĐHQGHN đã triển khai đào tạo bằng kép cho các sinh viên có nguyện vọng theo học đồng thời 1 lúc 2 chương trình để tốt nghiệp nhận được 2 bằng cử nhân thuộc 2 ngành đào tạo khác nhau. Sau thời gian tối đa 6 năm sinh viên sẽ nhận 2 bằng cử nhân chính quy. Tuy nhiên, lãnh đạo trường này cũng lưu ý, phải là sinh viên khá trở lên để có đủ khả năng theo học.


TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho biết, khi sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ có thêm cơ hội học thêm một bằng ĐH chính quy thứ 2 các ngành: tiếng Anh (phiên dịch) của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN; Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN. Riêng sinh viên ngành Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế chính trị) và ngành Kinh tế Phát triển được học thêm ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.


Chương trình đào tạo bằng kép ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) liên kết giữa các ngành đào tạo của trường (như Văn học – Báo chí, Du lịch – Khoa học quản lí…) hoặc giữa các ngành của trường với đơn vị khác trong ĐHQGHN (như Du lịch – Ngoại ngữ, Quốc tế học – Ngoại ngữ…).


Trường này cho biết, với loại chương trình đào tạo này, tối đa trong 6 năm học, sinh viên có điều kiện nhận hai bằng cử nhân hệ chính quy và tiết kiệm được chi phí học tập bởi các môn học của ngành thứ nhất giống hoặc tương đương với ngành thứ hai sẽ được bảo lưu kết quả học tập.


Tại ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), sau năm học thứ nhất trở đi, nếu có nguyện vọng, sinh viên được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng đại học chính quy. Cụ thể, sinh viên ngành khí tượng-Thủy văn-Hải dương, Công nghệ biển được đăng ký học ngành Công nghệ thông tin. Sinh viên ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ hạt nhân được đăng ký học ngành Công nghệ Điện tử - viễn thông của Trường ĐH Công nghệ. Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên được đăng ký học ngành Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế; Sinh viên ngành Địa lý được đăng ký học ngành Địa chính và SV ngành Địa chính được đăng ký học ngành Địa lý của Trường KHTN.


Trường ĐH Hà Nội cũng tham gia vào việc đào tạo bằng kép. Tất cả sinh viên hệ chính quy sẽ có cơ hội học ngành thứ hai nếu kết quả học tập của năm trước đạt từ 7 điểm trở lên. Ngành thứ hai có thể là ngoại ngữ hoặc một trong 6 chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, kế toán dạy bằng tiếng Anh.


Rõ ràng, xu thế hiện nay, việc được cấp một lúc hai bằng ĐH ngày càng hấp dẫn sinh viên. Tuy nhiên trước khi quyết định theo một lúc 2 chương trình đào tạo sinh viên nên suy nghĩ cẩn trọng. Với nhiều sinh viên đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thì việc học “bằng kép” sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, dễ thích nghi với thị trường lao động.


Tuy nhiên, có không ít trường hợp, những tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa xác định được chính xác định hướng nghề nghiệp, chưa thực sự có hiểu biết đúng đắn, chắc chắn về ngành học chính mà mình theo đuổi nên chọn cách học thêm một tấm bằng để tự trấn an mà không biết đây là việc đòi hỏi nhiều công sức, tốn kém thêm không ít kinh phí. Khi ra trường, nhiều khi việc có 2 tấm bằng lại khiến các bạn khó khăn trong lựa chọn công việc, dao động, thiếu tự chủ, không biết mình đang thực sự theo đuổi cái gì.