Sức hút đổi mới trong tuyển sinh học nghề

Bên cạnh đó, những giải pháp tích cực được đánh giá đã bắt đầu phát huy hiệu quả, và một trong những giải pháp đó là việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.

Đổi mới toàn diện

Theo thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, năm học 2016 - 2017, nhà trường tuyển sinh và đào tạo 1.500 học sinh sinh viên (HSSV) cho 22 nghề, mặc dù công tác tuyển sinh của nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nhà trường xác định giá trị cốt lõi là HSSV của mình sau khi tốt nghiệp phải tự tin có việc làm ở những môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập tốt, nhiều cơ hội phát triển; và con đường duy nhất thực hiện được đó là đầu tư đồng bộ hiện đại hóa, nâng cao chất lượng toàn diện.

Đây là năm học nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới đào tạo toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn của trường chất lượng cao. Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cũng cam kết với SV, bảo đảm 100% sẽ có việc làm phù hợp trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, mức lương khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, trường đã xây dựng một mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp.

Cũng là một trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh cao, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đặc biệt chú trọng vấn đề gắn kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho HSSV, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chất lượng nhân lực cho doanh nghiệp. Thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều năm nay, đại diện của các khu công nghiệp, chế xuất, các tập đoàn, công ty đã liên kết với nhà trường nhận SV nghề tham gia sản xuất, làm việc tại đơn vị. Nhà trường cũng có bộ phận cung ứng nguồn nhân lực, là cầu nối doanh nghiệp với người lao động, bảo đảm việc làm cho 100% sinh viên học nghề tại trường sau tốt nghiệp.

Yên tâm học nghề

PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, năm 2016, kế hoạch tuyển sinh dạy nghề trong cả nước là 2,15 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 250.000 người. Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu được đặt ra là đào tạo nghề phải gắn với việc làm và thu nhập khi HS tốt nghiệp, vì vậy nhà trường ký cam kết với HS có việc làm sau khi ra trường, đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng dạy nghề...

Đây là một giải pháp tốt khi tạo được niềm tin vững chắc để các em HS đăng ký vào học nghề. Mặc dù công tác tuyển sinh học nghề còn nhiều khó khăn, nhưng tại một số cơ sở đào tạo nghề có uy tín, số thí sinh đăng ký nhập học ở một số ngành đã vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Một cơ chế phối hợp Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đã đảm bảo đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội. Đây chính là sức hút mạnh mẽ nhất để HS vào học nghề.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm học nghề vì đã có các cơ quan đại diện pháp lý bảo vệ lợi ích hợp pháp. Điều này được thể hiện rõ bởi sự khởi sắc trong năm nay khi người lao động tự tin nộp hồ sơ, học nghề và có “đầu ra” bảo đảm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới HSSV đăng ký theo học tại các cơ sở đào tạo nghề đã giúp việc tuyển sinh của các trường nghề khả quan hơn so với các năm trước.

Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 1/7/2015, quy định mức học phí của học viên trong các trường đào tạo nghề đều rất thấp, chỉ từ 200.000 - 350.000 đồng/tháng. Học viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí từ 50 - 100%, đặc biệt đối tượng HS tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp nghề được miễn 100% học phí....


Tuyen sinh 2017


Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/suc-hut-doi-moi-trong-tuyen-sinh-hoc-nghe-2483167-b.html