Sử dụng các giấy chứng nhận kết quả thi như thế nào?

Học sinh H.Điện Bàn nhận CD luyện thi trắc nghiệm do Báo Thanh Niên thực hiện trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra hôm qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, thu hút sự tham gia trực tiếp của hơn 1.000 học sinh lớp 12 và phụ huynh trong huyện.

Việc ôn thi có thay đổi?

Quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT vừa được ban hành với nhiều thông tin quan trọng khiến không ít học sinh (HS) mong muốn được tư vấn để hiểu rõ hơn. Phạm Nguyệt Ánh, HS Trường THPT Điện Bàn quan tâm đến đề thi và cách ôn tập: “Năm nay phương thức thi hoàn toàn mới, vậy tụi em phải ôn tập như thế nào, đề thi có thay đổi không? Các khối thi cũ có còn được sử dụng?”. Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Như mọi năm, các em tập trung vào những kiến thức học trong 3 năm THPT, trọng tâm là chương trình lớp 12”. Về khối thi, tiến sĩ Quốc cho biết đa số các trường vẫn dùng tổ hợp môn theo khối truyền thống với 75% chỉ tiêu. Các tổ hợp môn mới chỉ chiếm 25% tổng chỉ tiêu của mỗi trường.

Vẫn chưa nắm rõ cách thức xét tuyển các nguyện vọng, một HS gửi câu hỏi qua đường dây nóng: “Em nghe nói năm nay có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, vậy mỗi đợt nộp 1 phiếu hay cả 4 phiếu? Thời gian cụ thể như thế nào?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, giải thích: “Sau khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đó, giấy thứ nhất dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 với tối đa 4 ngành tại một trường. Tuy nhiên không bắt buộc phải đăng ký hết 4 ngành. Nếu thí sinh không trúng tuyển thì dùng 3 giấy còn lại để xét tuyển nguyện vọng bổ sung ở 3 trường khác nhau. Các em lưu ý nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì không thể dùng 3 giấy còn lại để xét nguyện vọng bổ sung, vì vậy các em cần cân nhắc lựa chọn chính xác ngành ở nguyện vọng 1”.

Ngành nào dễ trúng tuyển, cơ hội việc làm cao?

Bạn Đỗ Thu Trang, lớp 12 Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, đặt câu hỏi với đại diện ĐH Huế: “Năm nay trường có thay đổi cách tính điểm chuẩn hay không? Ngành nào dễ trúng tuyển mà có cơ hội việc cao?”. GS-TS Lê Văn Anh, Phó giám đốc ĐH Huế, giải đáp: “Cách tính điểm chuẩn của trường dựa vào kết quả thi tuyển của thí sinh nộp hồ sơ vào trường và căn cứ từ chuẩn đầu vào của Bộ GD-ĐT. Trường có điểm chuẩn cho từng ngành, tuy nhiên cũng có các trường thành viên xác định điểm trúng tuyển theo nhóm ngành như Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Khoa học...”. Tiến sĩ Anh cho rằng thí sinh cần đăng ký vào ngành học phù hợp với mức điểm và phù hợp với sở thích của mình thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao và bản thân mới có khả năng theo đuổi lâu dài.

Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc (ĐH Đà Nẵng) thông tin thêm: “Tại ĐH Đà Nẵng có 2 trường lấy điểm chuẩn cao hơn trường khác là ĐH Kinh tế và ĐH Khoa học. Những ngành có điểm chuẩn thấp hơn và cơ hội đậu cao hơn thuộc về nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn và sư phạm”. Tuy nhiên, tiến sĩ Quốc cũng nhấn mạnh thí sinh cần chọn ngành học có nhu cầu việc làm cao tại địa phương đồng thời là ngành học thí sinh yêu thích, tránh tình trạng chọn đại để được trúng tuyển nhưng sau đó bỏ ngang vì không phù hợp.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết hiện nay tại trường cũng có nhiều ngành học liên quan đến cảng biển, khai thác biển có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao, mà điểm trúng tuyển vừa phải. Đó là ngành hàng hải, công trình thủy, công nghệ đóng tàu, kỹ thuật đóng tàu.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/su-dung-cac-giay-chung-nhan-ket-qua-thi-nhu-the-nao-539386.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia