Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG
Nhưng đằng sau đó có thể là những lầm lẫn, ngộ nhận nên rất cần sự thảo luận rộng rãi từ cả phía giáo viên và người quản lý.
Giáo án là gì?
Từ điển bách khoa Việt Nam (bachkhoatoanthu.vass.gov.vn) giải thích giáo án là “kế hoạch và dàn ý giờ lên lớp của giáo viên...”, Bộ Giáo dục và đào tạo (2011) định nghĩa “giáo án là kế hoạch giảng dạy của giáo viên dự định thực hiện cho một bài học, một tiết học hay một buổi lên lớp”. Như vậy, giáo án là một bản kế hoạch và thay đổi tùy thuộc vào đối tượng, điều kiện dạy học dù cùng một mục tiêu, nội dung. Chẳng hạn, phương pháp dạy học của giáo viên sẽ khác nhau giữa lớp có học lực trung bình và khá, thiết bị dạy học sẽ khác nhau tùy điều kiện của trường. Hay giáo viên có phong cách giao tiếp sôi nổi sẽ lập kế hoạch dạy học khác với giáo viên có phong cách trầm lặng.
Có cần soạn giáo án không?
Câu trả lời là có và không.
Có là bởi không thể làm một việc nào đó đạt hiệu quả mà không có kế hoạch, trừ khi nó quá đơn giản hay ta đã giỏi. Trong khi đó dạy học là một hoạt động phức tạp, cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho từng hoạt động thực hiện tại lớp học để đạt được mục tiêu dạy học. Vì vậy giáo án càng được đầu tư, biên soạn tốt thì càng đảm bảo hiệu quả dạy học dù ở trình độ đào tạo nào. Đặc biệt là khi đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học thì càng phải đầu tư công sức để soạn giáo án.
Không là khi giáo viên chỉ quan tâm tới nội dung dạy học mà không chú ý đến mục tiêu hay phản hồi của người học. Tức là chỉ tìm cách chuyển tải hết nội dung theo thời lượng quy định, người học có được gì hay không sau giờ học thì không thể biết được. Dạy học bằng thuyết giảng là phương pháp chủ yếu trong trường hợp này, giáo viên hoàn toàn thuộc nội dung dạy học để truyền đạt mà không cần chuẩn bị gì.
Thứ hai, không là khi giáo viên đã trở nên thành thạo, nhuần nhuyễn trong nội dung dạy học đó và luôn đạt được hiệu quả dạy học. Nhưng điều này chỉ có được qua quá trình khổ công soạn giáo án và rèn luyện giảng dạy. Tức là giáo án đã được soạn, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều đến mức từ “kỹ năng thành kỹ xảo”, không cần phải soạn lại nữa. Khi đó, giáo viên chỉ cần chuẩn bị theo cách gạch đầu dòng các nội dung quan trọng, cốt yếu.
Xem loạt bài giảng về công lý của GS Michael Sandel (ĐH Harvard) ở youtube.com, ta sẽ thấy vị giáo sư danh tiếng này thỉnh thoảng nhìn vào vài tờ giấy chuẩn bị sẵn để giảng, hết nội dung thì lật sang tờ khác. Phải chăng đó là… giáo án của giáo sư?
Nên soạn giáo án theo mẫu không?
Rõ ràng là làm việc theo cách có sẵn luôn dễ hơn phải mò mẫm, tìm tòi. Có mẫu giáo án sẽ thuận tiện cho giáo viên thiết kế bài giảng, đặc biệt với giáo viên không tốt nghiệp trường sư phạm hay giáo viên mới vào nghề. Quy định mẫu giáo án có lẽ là cách thức thuận lợi cho quản lý dạy học, ta có thể đảm bảo rằng giáo viên lên lớp với đầy đủ nội dung theo mẫu thống nhất. Từ năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH đã quy định 3 mẫu giáo án (lý thuyết, thực hành, tích hợp) sử dụng chung cho toàn bộ hệ thống dạy nghề.
Tuy nhiên khi đã có kinh nghiệm, mẫu giáo án lại hạn chế và làm mất công sức của giáo viên. Nếu muốn tạo ra sự mới lạ bằng cách thay đổi kết cấu, trình tự hay nội dung bài giảng thì mẫu giáo án là một trở ngại. Hay khi đã thực hiện nhuần nhuyễn nội dung dạy học đó rồi mà vẫn phải viết ra đầy đủ theo mẫu từ năm này qua năm khác thì quả là vô ích. Trong khi điều lệ các hội thi giáo viên dạy giỏi không quy định mẫu giáo án và “sáng tạo trong chuẩn bị giáo án” luôn được khuyến khích.
Đồng thời về mặt quản lý, kiểm tra theo mẫu giáo án chỉ là hình thức, phần quan trọng hơn là nội dung thì ít được đề cập. Ngay cả tổ trưởng bộ môn cũng chưa chắc đọc hết được giáo án của giáo viên do mình quản lý. Vì vậy cần có nhiều mẫu giáo án nhưng không nên quy định soạn theo mẫu, cần để giáo viên sáng tạo trong thiết kế dạy học.
Thế nào là giáo án điện tử?
Thuộc tính “điện tử” đang được sử dụng rộng rãi với nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ thư điện tử là chuyển nhận thư qua máy tính và Internet bằng các phần mềm hỗ trợ. Thương mại điện tử là mua bán trên Internet và các mạng máy tính. Như vậy, đặc trưng của thuộc tính “điện tử” không chỉ là định dạng, lưu trữ hay chia sẻ điện tử mà còn là hệ thống mạng máy tính, Internet, ứng dụng CNTT và những thông lệ, quy định mang tính quốc gia và toàn cầu.
Do đó, giáo án chỉ đơn giản được soạn trên máy tính thì không thể gọi là giáo án điện tử. Hầu như không có tác động khác biệt nào đến tiến trình dạy học giữa giáo án soạn trên giấy và soạn trên máy vi tính. Không thể gọi đó là ứng dụng CNTT trong dạy học. Một nội dung dạy học được soạn và trình chiếu bằng các ứng dụng CNTT thì rất khác biệt so với nội dung dạy học truyền thống nhưng lại không thể gọi là giáo án, mà phải gọi là bài giảng hay bài trình chiếu. Bài giảng hay trình chiếu cũng đều phải thực hiện theo giáo án. Không nên sử dụng khái niệm giáo án điện tử, mà chỉ có giáo án với vai trò là bản kế hoạch dạy học của giáo viên. Dĩ nhiên soạn giáo án trên máy vi tính lợi ích hơn nhiều so với viết tay.
Nên kiểm tra giáo án bằng cách nào?
Tình trạng giáo viên trắng đêm chép hay in giáo án để đối phó với thanh tra cho thấy việc kiểm tra giáo án là hoàn toàn hình thức và không giúp gì cho đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đọc tác phẩm Người thầy (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2012) của nhà giáo Frank McCourt, ta sẽ không thấy dòng nào về kiểm tra giáo án trong hơn 30 năm dạy trung học của ông, mà chỉ có thanh tra giáo dục đến lớp dự giờ không báo trước. Giáo án là bản kế hoạch, mọi bản kế hoạch dù tốt đều cần thực thi mới đánh giá được hiệu quả cuối cùng. Kiểm tra giáo án nên là trách nhiệm của tổ trưởng và giáo viên chỉ cần soạn giáo án lần đầu tiên và duy nhất cho một nội dung dạy học. Không nên năm nào cũng phải soạn, trừ khi có thay đổi.
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161024/soan-va-kiem-tra-giao-an-can-hay-khong/1194148.html