Trong dự thảo kế hoạch tổ chức đi học trực tiếp tại các trường thì Sở GD-ĐT TP.HCM đã có đề xuất về việc cho học sinh quay lại trường trong tháng 12.

hoạt động giảng dạy

Học sinh TP.HCM dự kiến sẽ học trực tiếp từ tháng 12, khi đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ

Đề xuất học sinh trở lại trường từ ngày 10.12

Ngày 30.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố. Tại đây, Sở GD-ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh (HS) đi học trở lại từ ngày 10.12.

Theo tờ trình của Sở GD-ĐT, phương án này nhằm đảm bảo đủ thời gian sơ kết công tác tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ cho tất cả các khối lớp. Đồng thời cũng để các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, tiếp nhận và sửa chữa cơ sở vật chất. Đây cũng là lúc hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, xây dựng hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và tổ chức tập huấn cho giáo viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dự kiến lộ trình như sau: Ngày 8.12, tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 9.12, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho HS học trực tiếp tại trường. Từ ngày 10.12, HS trở lại trường học trực tiếp.

Tổ chức học theo cấp độ dịch

Việc tổ chức cho HS đi học trực tiếp trở lại do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và quyết định với hình thức tổ chức dạy học như sau: Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp. Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.

Tổ chức học trực tiếp lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do UBND TP.HCM ban hành và được Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…

Có thể đến trường nếu không tiêm vắc xin?

Về những băn khoăn của phụ huynh về việc HS có được đến trường học trực tiếp nếu không tiêm vắc xin phòng Covid-19, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là đảm bảo an toàn sức khỏe trước dịch bệnh, trong đó trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm. Và việc tiêm vắc xin không phải là điều kiện để HS đến trường học trực tiếp nên ngành giáo dục không có và cũng không thể đưa ra quy định.

 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: “Mong phụ huynh xem xét kỹ”

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay việc cho HS đi học trở lại TP.HCM sẽ tham khảo ý kiến của bên y tế, nhưng thực tế ở TP.HCM thì sẽ đợi khi HS tiêm đủ 2 liều vắc xin.

“Tôi cũng mong muốn phụ huynh tin tưởng, thành phố khi quyết định làm gì thì cũng nghĩ đến sự an toàn của HS đầu tiên. Trong trường hợp HS chưa tròn 18 tuổi thì đây là trách nhiệm quyết định của phụ huynh, họ phải quyết định thế nào để lợi nhất cho con em mình. Do vậy, chúng tôi mong muốn phụ huynh xem xét, đặt lợi ích của con mình và lợi ích cộng đồng lên trên hết. Theo thống kê hiện nay có trên 93% phụ huynh đồng ý cho con tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Do vậy, khi đến lớp các em có thể lo lắng khi bản thân mình chưa được tiêm nên chúng tôi mong phụ huynh xem xét kỹ”, ông Đức nhắn nhủ.

Riêng đối với HS tiểu học và lớp 6, lứa tuổi không nằm trong quy định tiêm vắc xin đợt này, ông Hồ Tấn Minh, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết khi trường học mở cửa trở lại, những HS này vẫn đi học bình thường như hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT quy định tại Công văn số 4726 và sẽ được hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về phương án mở cửa trường học, HS đi học trực tiếp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay TP.HCM sẽ có quyết định phù hợp nhất trong thời điểm đó và căn cứ theo các điều kiện của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT TP sẽ rà lại trong kế hoạch học tập trực tiếp và có hướng dẫn cho những HS thuộc đối tượng chưa tiêm.

Dự kiến hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ ngày 4.11

Hôm qua 2.11, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo Bộ Y tế và UBND TP.HCM kết quả tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM. Theo đó, sau 6 ngày triển khai (từ 27.10 - 1.11), TP.HCM đã tiêm vắc xin cho 531.998 trẻ, trong đó có 51 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.

Riêng trong ngày 2.11, TP.HCM tổ chức tiêm tại 112 điểm tiêm với 209 đội tiêm, dự kiến tiêm cho 49.204 trẻ. Kết quả tiêm được báo cáo vào sáng 3.11.

Tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ tại TP.HCM dự kiến kết thúc vào ngày 4.11.

Những ngày này, đưa con đến các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19, các phụ huynh đều tỏ ra hài lòng với công tác tổ chức. Anh Ngô Đức Thắng, có con học lớp 7, Trường THCS Tân Xuân (H.Hóc Môn), cho biết: “Con tôi tiêm vắc xin tới nay là được hơn một tuần tại một điểm tiêm gần trường. Khi tiêm, vì trẻ dưới 18 tuổi nên phụ huynh dẫn theo và phụ huynh phải đồng ý thì con mới được tiêm. Quy trình thực hiện khá bài bản, chỉ HS mới được đi vào điểm tiêm, còn phụ huynh chờ bên ngoài. Trẻ đi vào bằng cổng trước, tiêm xong thì đi ra bằng cổng sau”.

Dự kiến trong năm 2022 sẽ tiêm cho trẻ từ 5 tuổi

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), trong tháng 11, trên cơ sở triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Viện sẽ báo cáo Bộ Y tế về kế hoạch phân bố vắc xin Pfizer để sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và phân bổ vắc xin theo tiến độ cung ứng và tình hình dịch của các địa phương, ưu tiên triển khai trước tại các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, mật độ dân cư tập trung đông, nguy cơ lây nhiễm cao và mở rộng dần trên toàn quốc.

Về tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi, một chuyên gia của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết hiện 2 loại vắc xin Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên cũng là vắc xin tiêm cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên), còn vắc xin tiêm dưới 12 tuổi là vắc xin khác, VN vẫn chưa có vắc xin này và cũng chưa phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các đơn vị để cung ứng vắc xin Covid-19 cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, có con học lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay: “Cháu vừa được tiêm vào ngày 30.10. Sau 4 ngày theo dõi, cháu chỉ sốt nhẹ không có phản ứng gì mạnh. Về quy trình tiêm vắc xin lần này, tôi thấy TP.HCM triển khai rất nhanh và bài bản. Như ở điểm tiêm THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, các em được thông báo giờ tiêm, trường phân theo từng khối lớp, nhóm HS và từng khung giờ cụ thể. Ngày tiêm thì cứ 1 phụ huynh đi kèm với 1 cháu, nhưng chỉ những phụ huynh đã được tiêm đủ 2 mũi và khai báo y tế mới được vào. Khi đã hoàn tất thủ tục, mọi người được hướng dẫn lên lầu theo yêu cầu giãn cách rất trật tự theo luồng. Trẻ thì được khám, tư vấn kỹ càng”.

Tương tự, ông Võ Thành Tâm, phụ huynh HS Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), nhận xét: “Công tác tổ chức tiêm vắc xin rất khoa học và chuyên nghiệp làm cho phụ huynh yên tâm. Khâu tổ chức tại trường sắp xếp khung giờ hợp lý cho từng lớp, chỗ ngồi được bố trí khoảng cách an toàn, bác sĩ tư vấn nhiệt tình, khám sàng lọc kỹ”.

Đại Học Bách Khoa Hà Nội kết hợp dạy trực tiếp và dạy online

Cà Mau: Phát hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng, nhiều trường dừng dạy học trực tiếp

Theo Thanh Niên