Mục đích học tập của những người này cũng khác nhau. Cán bộ, công chức, viên chức đi học đại học tại chức, đa phần là những người đã có bằng trung cấp, cao đẳng. Có người đi học với khát khao chiếm lĩnh kiến thức, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu công tác. Nhưng bên cạnh đó, có không ít người đi học là để mong được chỉnh lương, ăn lương bậc đại học; có người thì nằm trong diện qui hoạch cán bộ nguồn, buộc phải có bằng đại học nếu muốn được đề bạt vào các chức vụ quản lý; có người thì đi để kiếm cái bằng đại học cho bằng anh bằng em…
Với những HSPT, họ học đại học tại chức vì thi trượt đại học chính qui. Tất nhiên trong số này, có những em có năng lực học tập (tôi biết có em điểm thi đại học chỉ thấp hơn điểm sàn 0,5-1 điểm). Có những em vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để học đại học chính qui nên theo học tại chức, vừa lo mưu sinh hàng ngày vừa đi học. Nhưng cũng có những em con nhà khá giả, đi học tại chức với tâm lý “đi cho biết đời sinh viên đại học” ...còn mọi chuyện tính sau. Không ít những em có cha mẹ, người thân là cán bộ có chức có quyền, trượt đại học chính qui nên theo học hệ tại chức, cốt có tấm bằng đại học, còn đầu ra đã có người lo.
Như thế, đầu vào của hệ đại học tại chức gồm nhiều thành phần. Điều đó, suy cho cùng cũng là bình thường trong xu thế xã hội hóa giáo dục ngày nay. Điều đáng nói là chất lượng đào tạo của hệ tại chức. Hệ đại học tại chức được đào tạo dưới nhiều hình thức: mở lớp ngay tại trường đại học, song song với hệ chính qui; mở lớp ở Trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố ( dạng vừa học vừa làm). Ở các trường đại học, hệ chính qui còn nhiều tồn tại như số sinh viên/giảng viên còn cao, nhiều giảng viên chỉ có trình độ đại học (giảng dạy kiểu “cơm chấm cơm”), phòng ốc, thư viện… còn thiếu thì tin chắc rằng các lớp đào tạo tại chức trong trường còn nhiều bất cập hơn.
Còn các lớp đại học tại chức được mở ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố thì càng có nhiều điều đáng nói. Tình trạng dồn tiết, cắt xén chương trình, giảng viên được thỉnh giảng đến dạy hết số tiết cho xong, không cần biết học viên học thế nào… là chuyện bình thường. Và với những mục đích học tập khác nhau như trên đã nói cộng với sự quản lý lỏng lẻo của các cơ sơ giáo dục tại chức thì tình trạng mua điểm, “học giả bằng thật” (dù là bằng tại chức) là điều không tránh khỏi. Điều đó ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra vì đó là điều khá phổ biến.
Chính vì vậy, chất lượng đào tạo đại học tại chức đã không được xã hội tin cậy. Cho nên, việc Đà Nẵng nói “ không” với bằng tại chức trong tuyển dụng cũng là điều có lý.
Theo SGTT