Sinh viên ngành du lịch cần những kỹ năng mềm nào trước khi ra trường?

 

Cần trang bị những gì?

Băn khoăn của hầu hết các sinh viên ngành Việt Nam học tại diễn đàn là không biết đã chọn nghề đúng hay chưa, vì tốt nghiệp ra trường có dễ tìm việc không, các doanh nghiệp cần sinh viên những kỹ năng sống cơ bản gì, tại sao điều kiện đầu tiên ở nhiều đơn vị tuyển dụng thường là cần người có kinh nghiệm, làm du lịch lương có cao không, có cần ngoại hình không…?

Sinh viên ngành du lịch cần trang bị những kỹ năng gì?

Sinh viên ngành du lịch cần trang bị những kỹ năng gì?

Ths Phan Thanh Long, Giám đốc khách sạn Oscar Sài Gòn có kinh nghiệm làm quản lý 13 năm, từ khi mới 30 tuổi, đã trấn an các SV của ngành học này: “Các bạn đã chọn đúng nghề vì nhân lực cho ngành du lịch đang rất thiếu, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn chỉ mới là một vế, các bạn cần trang bị thêm các kỹ năng cho ngành du lịch thì mới cạnh tranh được với nghề. Bên cạnh đó, các bạn phải học cách chấp nhận khó khăn, thử thách ở giai đoạn đầu, đó có thể là làm chéo nghề, làm những công việc nhỏ nhất để tích lũy kinh nghiệm. Như bản thân tôi trước khi đứng ở vị trí giám đốc đã bắt đầu từ việc xách vali cho khách, phụ bếp… nếu yêu nghề thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua”.

Theo Ths Võ Việt Hòa, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, các công ty thường tuyển nhân viên có bề dày kinh nghiệm để nhanh hiểu việc, có chuyên môn nhất định, giảm khâu đào tạo lại, tuy nhiên, điều đó không nhất thiết người đó phải từng kinh qua vị trí tương tự tại một công ty khác, mà thực chất chỉ là người hiểu công việc sắp đảm nhận. Chẳng hạn, SV đã từng làm bán thời gian, phụ bàn cũng được, có va chạm thực tế, tiếp xúc khách hàng, biết ứng xử, đặc biệt nếu SV đã từng học thêm nghiệp vụ liên quan đến vị trí tuyển dụng thì rất được ưu tiên… Nếu làm hướng dẫn viên thì đòi hỏi phải có kiến thức rộng về văn hóa, lịch sử, khả năng giao tiếp, có sức khỏe, nhạy bén, linh hoạt, xử lý tình huống. Còn thiết kế tour thì phải gặp nhiều khách hàng để ghi nhận ý kiến, đi thực tế…

Ths Phan Thanh Long nói thêm: “Thực ra là khi tuyển người đã từng làm ở một công ty khác có một cái khó là họ đã quen với nề nếp cũ nên khó thích ứng với cái mới, thậm chí họ có “bài riêng”, thường thích làm theo ý mình và đôi khi còn áp đặt người khác, có những đòi hỏi quá đáng, so đo, tính toán… Trong khi đó SV mới ra trường thường không có nhược điểm đó”.

“Tôi cho rằng trong ba yếu tố để làm nên một SV hoàn hảo, là kiến thức chuyên môn – kỹ năng – đạo đức, tác phong thì yếu tố thứ ba là quan trọng nhất. Bởi hai phần kia chỉ cần đào tạo có thể đạt được nhưng những thói quen về đạo đức, tác phong làm việc chuyên nghiệp rất khó sửa chữa, mà đây lại là yếu tố quyết định, nên nếu SV chú ý rèn từ trên ghế nhà trường thì sau này sẽ giúp ích rất nhiều, bởi cái nhìn đầu tiên, thiện cảm của nhà tuyển dụng đối với nhân viên mới chính là yếu tố này”, Ths Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn chia sẻ với các SV.

Tham khảo các kỹ năng mềm quan trọng của sinh viên ngành du lịch

1. Kĩ năng giao tiếp

Đối với một người hướng dẫn viên,công việc đầu tiên là phải có kĩ năng giao tiếp, bởi tính chất công việc của họ là tiếp xúc, hướng dẫn trực tiếp cho du khách về địa điểm mà mình hướng dẫn khách, hơn hết kĩ năng giao tiếp sẽ giúp cho người hướng dẫn viên ứng biến với các tình huống bất trắc xảy ra một cách nhanh nhất hiệu quả nhất và ổn thỏa nhất. Để có những kĩ năng này trước hết bạn cần phải có một kiến thức chuyên môn tốt sau đó là sự tự tin của bản thân, bạn sẽ trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp nếu bạn biết giao tiếp là điều tất yếu cơ bản đầu tiên để thành công trong lĩnh vực này.

2. Kỹ năng thuyết trình trước đám đông

Một trong những nhiệm vụ quan ttọng của người hướng dẫn viên du lịch chính là truyền tải thông tin đến du khách. Một hướng dẫn viên du lịch giỏi nghiệp vụ vừa phải nắm bắt được tâm lý du khách, vừa phải thông thuộc các kỹ năng thuyết trình và phải tạo được sự truyền cảm trong những bài thuyết trình của bạn.

Nếu bạn chỉ đơn giản truyền tải thông tin bằng một giọng văn đều đều “ru ngủ” theo những nội dung đã được chuẩn bị sẵn thì sẽ chỉ đem đến sự nhàm chán cho du khách.

3. Kỹ năng làm chủ cảm xúc

Là một người hướng dẫn viên du lịch, công việc của bạn giống nhứ là “làm dâu trăm họ”, bạn phải luôn luôn trong tâm thế vui vẻ, cởi mở, thoải mái để phục vụ du khách được tốt nhất.

Bạn phải luôn luôn điềm tĩnh trước mọi tình huống, dù có xảy ra chuyện gì cũng phải giữ thái độ lịch thiệp với du khách.  Bạn phải tạo cho du khách sự an tâm và thoải mái khi đồng hành với mình. Đây chính là một kỹ năng mềm cần thiết mà bạn phải luôn cố gắng trau dồi để thành công trong công việc này.

4. Kỹ năng quan sát

Điều này nói ra nghe có vẻ bình thường, nhưng thực ra nó lại là một kỹ năng khá quan trọng. Quan sát không chỉ là nhìn, mà phải là “nắm bắt” – nhìn và thu nhận được gì. Giao tiếp ứng xử không phải lúc nào cũng được thực hiện qua ngôn ngữ nói, mà nhiều khi là một cử chỉ, là một ánh mắt, là một cái nhíu mày, hay cái bĩu môi,… Nếu là người giỏi quan sát, bạn sẽ thấy trong hàng chục khuôn mặt có thể có những nét biểu cảm khác nhau, bạn sẽ “đo” được chỉ số cảm xúc của khách đang như thế nào, từ đó sẽ giúp bạn điều chỉnh ứng xử để thay đổi cảm xúc du khách theo hướng tích cực hơn.

5. Biết cách tổ chức sắp xếp

Những tour du lịch trong công ty bạn thường được lên kế hoạch sắp xếp cụ thể về địa điểm, thời gian,… để thể hiện sự chuyên nghiệp của những người làm du lịch và thuận tiện hơn cho người hướng dẫn. Nhưng không vì thế mà bạn cứ đinh ninh rằng chỉ cần làm theo bảng kế hoạch là được. Không phải chuyến đi nào cũng đều thuận lợi như ý muốn, sẽ có những trục trặc nhỏ về thời gian hay thay đổi về vấn đề gì đó buộc bạn cần phải linh hoạt thay đổi lịch trình và ứng biến thật nhanh chóng không để du khách phải đợi lâu vì nguời hướng dẫn của họ lúng túng không biết phải làm gì tiếp theo.

6. Vốn ngoại ngữ

Trong thời kì hội nhập như hiện nay, mọi bạn trẻ nên giữ cho mình vốn tiếng anh để trở thành một người trẻ hiện đại văn minh, và đương nhiên người hướng dẫn viên du lịch thì không thể thiếu rồi. Với thời kì hội nhập và phát triển như hiện nay, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển, khách nước ngoài biết đến nước ta nhiều hơn với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, vì vậy để trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp bạn cần phải trau dồi vốn tiếng Anh của mình và các thứ tiếng khác tùy vào lượng khách du lịch đến với Việt Nam là nước nào. Ngoại ngữ là yếu tố cơ sở nhất cho ngành hướng dẫn viên du lịch đấy.

7. Kỹ năng ứng biến/xử lý tình huống

Dù có lên kế hoạch chu đáo và hoàn mỹ đến đâu, thì trên những chặng hành trình thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ta mong đợi – nhất là đối với những hành trình du lịch khám phá hoặc du lịch mạo hiểm. Vì vậy, kỹ năng ứng biến hay có thể gọi là kỹ năng “phản ứng nhanh” sẽ giúp cho người hướng dẫn viên luôn làm chủ được tình thế khi có những rủi ro ngoài mong đợi xảy ra.

Chắc chắn, một người hướng dẫn viên du lịch nhanh nhạy trong việc xử lý các tình huống ngoài lề sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng trong lòng du khách hơn là một anh lớ ngớ như “gà mắc tóc”.

Bạn nên rèn luyện từ đâu? Đừng bỏ phí thời gian ngồi trên ghế nhà trường

Ths Phan Bửu Toàn cho biết thêm, năm 2015 sẽ hình thành chính thức cộng đồng kinh tế ASEAN thì việc thừa nhận lẫn nhau về văn bằng của người lao động (LĐ) trong cộng đồng là một yêu cầu quan trọng. Việc triển khai thỏa thuận này sẽ khuyến khích mở cửa và tự do hóa thị trường LĐ du lịch trong khu vực, tạo điều kiện để LĐ trong ngành dịch chuyển tự do, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của ngành du lịch các nước ASEAN…

Điều này tạo cơ hội cho người giỏi không chỉ có thị trường LĐ trong nước để làm việc mà còn vươn ra những nước trong khu vực. Nhưng ngược lại đó cũng là thách thức, vì các bạn không chỉ cạnh tranh với LĐ trong nước mà phải giỏi hơn LĐ các nước khác mới mong được tuyển dụng.

TS Phạm Thu Nga, Trưởng khoa Văn hóa du lịch Trường đại học Sài Gòn cho rằng, việc trang bị trình độ chuyên môn, khả năng nói trước đám đông, khả năng ngoại ngữ (tiếng anh giao tiếp), vốn kiến thức xã hội… không chỉ để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng mà còn là đòi hỏi cần thiết trong thời đại hội nhập đa văn hóa như hiện nay, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực hội nhập trước tiên.

“Chính điều đó đòi hỏi ngay bây giờ các bạn đừng học kiểu “thư thả” lướt cho qua môn, sau này đến khi đi làm, bị hổng nhiều kiến thức phải mày mò học lại thì cực lắm. Đặc biệt là ngoại ngữ, trong trường dạy các bạn một ngoại ngữ thì phải tìm nơi học thêm ngoại ngữ khác để trang bị thêm cho mình. Bên cạnh đó, sinh viên ngành du lịch cũng đừng quá mê đi làm thêm mà sao nhãng việc học, phải biết cân bằng để tiếp nhận được nhiều kiến thức nhất, không phải bỏ phí thời gian khi còn ngồi ở giảng đường, vì đây là khoảng thời gian các bạn tiếp thu nhanh nhất, dễ học nhất”, Ths Võ Việt Hòa nhắc nhở.

Các đại biểu cũng chia sẻ rằng, lương của ngành du lịch thuộc vào mức trung bình khá nên nếu so sánh với các ngành nghề khác thì dễ có tư tưởng không bền vững. Tuy nhiên, nếu có năng lực thật sự thì sẽ sống tốt với nghề. Làm du lịch nên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, do vậy ngoại hình cũng khá cần thiết, tuy nhiên, có nhiều bộ phận khác nhau, thường thì dịch vụ khách sạn, hướng dẫn viên mới chú trọng một chút về ngoại hình.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu nhân lực 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm từ nay đến năm 2020, khối ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực với khoảng 21.600 LĐ mỗi năm, trong đó nhóm hướng dẫn viên du lịch cần khoảng 3.000-4.000 LĐ. Dự báo từ nay đến năm 2015 TP.HCM cần tối thiểu 51.000 LĐ du lịch. Còn theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 LĐ nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ CĐ, ĐH trở lên.


Kết luận:

Bạn đã đi du lịch theo tour, đã từng tiếp xúc với nhiều hướng dẫn viên khác nhau. Và, chắc hẳn cũng đã từng thấy yêu mến cũng như “chán” một anh hay một cô hướng dẫn viên nào đó… Điều gì làm lên sự khác biệt giữa một người hướng dẫn viên giỏi và người hướng dẫn viên chưa giỏi? Đó chính là những kỹ năng mềm. Sinh viên ngành du lịch cần rèn luyện các kỹ năng trên ngay từ bây giờ để có nhiều cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. Đừng bỏ phí thời gian trong hành trình đến thành công, bạn nhé!

Theo Báo Văn Hoá Điện tử - Bộ văn hoá Thể Thao & Du lịch


Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho sinh viên ngành du lịch, kỹ năng của sinh viên, học kỹ năng mềm, các kỹ năng mềm cơ bản cho ngành du lịch