Lợi thế của các trường đa ngành

Là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên mở ra phương thức đào tạo bằng kép, ngành kép, ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều lợi thế với hơn 10 trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc. Sau năm thứ nhất, sinh viên được quyền đăng ký thêm một ngành đào tạo. Nếu được đào tạo bằng kép, sau thời gian tối đa 6 năm sinh viên sẽ nhận 2 bằng cử nhân chính quy. Tuy nhiên, muốn được học để có bằng kép, sinh viên phải trải qua ít nhất 1 năm học và có điểm trung bình chung từ 2,5 (theo phương thức tín chỉ).

Đáng chú ý là Trường ĐH KHXH&NV của ĐH Quốc gia Hà Nội có 6 ngành tuyển sinh bằng kép là báo chí, khoa học quản lý, lịch sử, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quốc tế học, văn học. Trường tuyển sinh viên chính quy ngay trong các khoa của trường và từ các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội khác như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Giáo dục.

Sinh viên nên tìm hiểu kỹ trước khi học bằng kép

Một giờ học do giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên

Trong khi đó, sinh viên các ngành khí tượng học, thủy văn học, hải dương học của Trường ĐH KHTN cũng có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ. Sinh viên các ngành vật lý, khoa học vật liệu, công nghệ hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ điện tử - viễn thông cũng của Trường ĐH Công nghệ. Sinh viên ngành địa lý được đăng ký học ngành địa chính và ngược lại sinh viên ngành địa chính được đăng ký học ngành địa lý. Trường ĐH Kinh tế có 3 chương trình bằng kép: Ngành tài chính - ngân hàng dành cho sinh viên ngành kinh tế và kinh tế phát triển của trường; ngành kinh tế quốc tế, tài chính - ngân hàng dành cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ; ngành kinh tế phát triển dành cho sinh viên Trường ĐH KHTN. Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển thí sinh cho chương trình đào tạo bằng kép ngành ngôn ngữ Anh với đối tượng là sinh viên Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH KHXH&NV, Khoa Luật và sinh viên hệ chính quy ngoài Khoa Sư phạm tiếng Anh của trường.

Trường ĐH Hà Nội cũng đưa ra cơ hội ngành học thứ hai cho sinh viên nếu kết quả học tập năm trước đạt từ 7 điểm trở lên. Đó có thể là một ngành ngoại ngữ hoặc một trong các chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, kế toán. Các môn này được dạy bằng tiếng Anh. ĐH Đà Nẵng cũng cho biết, sinh viên chính quy của trường sau khi kết thúc học kỳ thứ nhất của năm học đầu tiên, không thuộc xếp hạng học lực yếu, được đăng ký học chương trình thứ hai. Sinh viên này phải có điểm thi tuyển sinh không thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường, vào ngành. Ngành đào tạo chương trình thứ hai phải khác ngành ở chương trình thứ nhất và cùng khối thi tuyển sinh. Nếu khác khối thi, sinh viên chỉ được học theo hình thức vừa làm vừa học.

Tránh "xôi hỏng, bỏng không"

Chương trình đào tạo bằng kép đem lại ưu thế lớn cho sinh viên với việc mở rộng kiến thức, tăng cơ hội kiếm việc làm, tiết kiệm được thời gian và chi phí so với học hai bằng độc lập. Điều này cũng thúc đẩy sự chuyển dịch sinh viên giữa các trường, khoa thành viên, khuyến khích hợp tác đào tạo giữa các đơn vị trong trường để khai thác hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn lực chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, việc học bằng kép đồng nghĩa với việc tăng đáng kể cường độ học tập, phải học cả trong học kỳ hè và đòi hỏi một học lực nhất định cũng như khả năng tài chính của sinh viên. Không ít sinh viên đã không lường hết các khó khăn, phải bỏ dở việc học bằng kép giữa chừng. Sinh viên phải hoàn thành chương trình thứ nhất mới đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình thứ hai. Vì những thử thách này mà một số trường không cho phép sinh viên các chương trình chất lượng cao được học bằng kép bởi cường độ học của sinh viên vốn đã rất cao, nếu học nặng hơn sẽ khó bảo đảm chất lượng đào tạo. Trung bình mỗi chương trình đào tạo bằng hai có khoảng 80-100 tín chỉ, với học phí khoảng 220.000 đồng/tín chỉ. Như vậy để hoàn thành thêm một chương trình, sinh viên phải chi một khoản tiền không nhỏ. Kinh phí cho việc đào tạo bằng kép tại các trường cho tới nay đều là từ học phí của sinh viên.

Trước khi quyết định học thêm một chuyên ngành, các chuyên gia cũng nhắc nhở sinh viên cần đặc biệt lưu ý về văn bằng mà mình sẽ được cấp vì nhiều người không nắm rõ sự khác nhau giữa đào tạo bằng kép và ngành kép. Với đào tạo bằng kép, sinh viên được học thêm một bằng ĐH chính quy và khi đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được nhận hai bằng ĐH chính quy. Tuy nhiên, với đào tạo ngành kép, trên bằng tốt nghiệp có thể không thể hiện rõ sinh viên đã được đào tạo thêm một ngành nữa hay không. Đã có trường hợp, sinh viên học chuyên ngành kép tiếng Anh - tài chính ngân hàng, được đào tạo tiếng Anh phiên dịch và học thêm các môn học của ngành kinh tế.

Tuy nhiên, họ không được cấp bằng như dự định là cử nhân tiếng Anh - kinh tế, mà chỉ được cấp bằng cử nhân tiếng Anh, bởi đơn vị cấp bằng lý giải: Chuyên ngành kép nói trên thuộc ngành ngôn ngữ Anh nên sinh viên chỉ được cấp bằng cử nhân tiếng Anh chứ không được kèm thêm hai chữ "kinh tế" vào bằng. Như vậy, mặc dù mất công học, song sinh viên lại không có được lợi thế khi cầm tấm bằng đi tìm việc làm.

Theo Báo Hà Nội mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/731055/sinh-vien-hoc-bang-kep-thu-thach-khong-de-vuot-

Từ khóa: Học ngành kép, đào tạo, học đa ngành