Vì Covid-19 mà lượng sinh viên đăng ký chương trình quốc tế giảm hơn năm trước. Do vậy nhiều người chọn học tại Việt Nam nhưng vẫn được cấp bằng nước ngoài.

chỉ tiêu tuyển sinh

Sinh viên Trường ĐH Fulbright trong buổi lễ khai giảng

Ưu tiên chương trình chất lượng cao ở trong nước

Tại TP.HCM, các chương trình liên kết chuyển tiếp quốc tế không tuyển sinh thành công như mong đợi dù số lượng học sinh có nhu cầu du học không hề ít. Thậm chí, có trường còn không thể đào tạo vì không có sinh viên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trường có tất cả 8 ngành liên kết quốc tế diện 2 + 2 (2 năm học tại Việt Nam và 2 năm học ở nước ngoài).

Ban đầu, có khoảng 10 thí sinh đăng ký học. Tuy nhiên, sau đó, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các nước, phụ huynh của các thí sinh này đã đến trường đề nghị chuyển hồ sơ cho con sang học chương trình chất lượng cao chứ không theo chương trình liên kết nữa.

Liên kết quốc tế đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam 

Số liệu thí sinh đăng ký tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cũng cho thấy xu hướng học chương trình liên kết chuyển tiếp giảm rõ rệt so với đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam.

Cụ thể, chương trình đào tạo liên kết với ĐH West of England (Anh), ở ngành quản trị kinh doanh, trong năm 2020, chương trình học hoàn toàn tại Việt Nam (4+0) tuyển sinh được 175 sinh viên (SV) thì chương trình 2 + 2 chỉ tuyển được 13 người. Ở ngành kỹ thuật y sinh, chương trình 4 + 0 tuyển được 36 SV, 2 + 2 tuyển được 16. Các ngành học khác ở chương trình liên kết ĐH West of England còn tuyển được ít hơn nữa cả ở 4 + 0 cũng như 2 + 2. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin (4 + 0: 10 SV, 2 + 2: 8 SV), công nghệ sinh học (4 + 0: 7, 2 + 2: 5). Ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông chỉ xét tuyển chương trình 2 + 2 thì chỉ có 1 thí sinh đăng ký…

Lượng thí sinh đăng ký vào các trường quốc tế tại Việt Nam tăng cao

Các trường ĐH giảng dạy theo chương trình quốc tế, đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam thu hút được nhiều thí sinh hơn. Dù không thông tin chính xác con số nhưng theo Trường ĐH RMIT Việt Nam, trong năm 2020, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tăng vọt so với trước đó.

Bà Lê Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cũng cho biết hồ sơ của thí sinh đăng ký qua 2 đợt tuyển sinh năm nay tăng rất nhiều. Trong số đó, có nhiều thí sinh đã học xong phổ thông ở nước ngoài quyết định đăng ký học ĐH tại trường chứ không tiếp tục ra nước ngoài nữa.

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho biết trường có 2 ngành học nằm trong chương trình liên kết chuyển tiếp với trường ĐH của Úc, trong đó có 1 ngành mới mở. Năm 2020, mỗi ngành chỉ tuyển được 14 SV.
Tương tự, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), các chương trình liên kết chuyển tiếp quốc tế năm vừa qua của trường không tuyển được nhiều thí sinh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hải, các chương trình du học tại chỗ, cấp bằng nước ngoài tại trường hoặc các chương trình ĐH nước ngoài đã chuyển giao hết công nghệ cho trường vẫn thu hút được thí sinh đăng ký.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết tuyển sinh các chương trình quốc tế năm 2020 không khởi sắc hơn trước đó. Thí sinh có xu hướng quan tâm những chương trình quốc tế học hoàn toàn tại Việt Nam hơn là chuyển tiếp đi học ở nước ngoài.

Tuyển sinh năm 2021 liệu rằng có ổn?

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, người học lựa chọn theo hướng này là vì dịch Covid-19. Điều này cũng dễ hiểu vì phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh, mặc dù nếu đăng ký học thì 2 - 3 năm nữa SV mới ra nước ngoài. Ngoài ra, ít thí sinh đăng ký học chương trình liên kết chuyển tiếp còn có thể liên quan đến tài chính của phụ huynh vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đánh giá về chọn lựa này, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng tâm lý e ngại dịch bệnh ở các nước là điều quan trọng nhất khiến lượng thí sinh đăng ký học chương trình chuyển tiếp không nhiều.

Bà Nguyễn Thụy Hoài Trâm, Giám đốc marketing, kỹ thuật số và tuyển sinh toàn cầu, Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng lựa chọn theo học trường ĐH quốc tế tại Việt Nam (hay còn gọi là du học tại chỗ) nay càng trở nên hấp dẫn hơn khi thế giới đang phải chống chọi với những thách thức mà đại dịch tạo ra. Lựa chọn du học tại chỗ trong thời điểm hiện tại đem đến sự thoải mái cho SV và là cơ hội để các em có thể tiếp cận nền giáo dục ĐH quốc tế mà không bị chậm trễ hay gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Học tập ngay tại Việt Nam cũng là cách rất thiết thực để chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường việc làm tại đây. Các ngành nghề, công việc và thế giới lao động đã thay đổi hoàn toàn bởi đại dịch. Hiểu biết về bối cảnh, môi trường xung quanh cũng như sở hữu các kỹ năng phù hợp là những hành trang quan trọng cho các tân cử nhân khi bước vào thế giới việc làm.

Theo bà Hoài Trâm, mặc dù học tập ngay tại Việt Nam nhưng vẫn có nhiều cách thức để SV nhận được chất lượng giáo dục quốc tế.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Quỳnh Trâm, mặc dù có nhiều gia đình sẽ tiếp tục suy nghĩ có đưa con đi du học nước ngoài hay không nhưng hiện nay các trường ĐH ở nước ngoài rất chủ động và chú trọng nhiều vào việc tuyển sinh viên quốc tế. Tình hình hiện nay chưa hẳn là việc “quay ngược” về học trong nước mà chỉ là ưu tiên về lựa chọn, sắp xếp trong thời điểm cụ thể của các gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng trong năm tới, việc tuyển sinh chương trình liên kết để chuyển tiếp quốc tế còn phải tùy thuộc vào tình hình thực tế. Nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, các chương trình này vẫn sẽ rất khó tuyển sinh.

Danh sách các ngành khối Công An, Quân Đội tuyển sinh khối A00

Các trường đại học khối kinh tế có những điểm mới nào ở tuyển sinh 2021?

Theo Thanh Niên