Siết lại chất lượng đào tạo tiến sĩTuy chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đồng đều, nhưng vẫn có nhiều nghiên cứu sinh chất lượng cao, sở hữu nhiều công bố quốc tế. Trong ảnh: Trần Quốc Quân - một nghiên cứu sinh 9X (ĐHQG Hà Nội) - đã có 15 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hơn một thập kỷ qua, số lượng đào tạo tiến sĩ tăng lên đáng kể, nhưng đi cùng với đó là nhiều bất cập được bộc lộ trong quy trình đào tạo.

Đầy nghi vấn về chất lượng đào tạo

Đầu năm 2016, dư luận xôn xao, đưa ra đủ nghi vấn về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khi riêng một cơ sở đào tạo như Viện Khoa học xã hội VN đã có chỉ tiêu lên đến 350 tiến sĩ/năm.

Một số đề tài luận án tiến sĩ được bảo vệ tại đây cũng được đưa ra, với luồng dư luận trái chiều về tính cấp thiết, tính thời sự và tầm vóc đề tài có tương xứng với trình độ đào tạo tiến sĩ không, như “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã”…

Mặc dù sau đó, Viện Khoa học xã hội VN đã có những lý giải cặn kẽ, minh chứng đầy đủ về năng lực đào tạo đối với số chỉ tiêu tiến sĩ đăng ký hằng năm; nhưng ngay trong những trần tình của lãnh đạo viện cũng hé mở thêm về nhiều bất cập của quy định liên quan tới đào tạo tiến sĩ, đang là rào cản lớn cho các cơ sở đào tạo, trong việc nâng chất lượng tiến sĩ.

Cụ thể như quy định bất hợp lý về kinh phí đào tạo, chênh lệch quá lớn giữa mức 15 triệu đồng/năm/nghiên cứu sinh tại VN và 15.000 USD/năm/nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận trình độ đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục của nước ta chưa thật sự đồng đều. Một số chuyên ngành rơi vào tình trạng thiếu thầy hướng dẫn. Các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện (kinh phí, phòng thí nghiệm, nguồn học liệu) để thực hiện các dự án nghiên cứu có chất lượng, hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia và phục vụ việc làm luận án.

Cũng do điều kiện hạn chế (gồm cả thực lực của nghiên cứu sinh và cơ sở đào tạo) nên điều kiện nghiên cứu sinh được cọ xát ở môi trường học thuật nước ngoài (hội thảo khoa học quốc tế) rất ít.

Thực tế từ đầu những năm 2000, Bộ GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu tới năm 2020 cần bổ sung một lượng tiến sĩ mới, đủ để cả nước có khoảng 20.000 tiến sĩ. Theo tính toán, ở thời điểm đó, nếu tính cả số lượng tiến sĩ từ năm 2000 về trước thì ít nhất phải đào tạo mới 15.000 tiến sĩ nữa mới đạt được mục tiêu này.

Thế nhưng, trong những năm đầu thực hiện mục tiêu 20.000 tiến sĩ, việc đào tạo không có nhiều chuyển biến. Việc này chỉ đột phá vào gần một thập niên qua.

Tới năm 2016, theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, VN hiện có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, theo Bộ GD-ĐT, số tiến sĩ làm việc trong các trường ĐH, CĐ có khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư).

Việc thúc đẩy đào tạo tiến sĩ đã góp phần cải thiện môi trường học thuật trong nước, cung cấp nguồn nhân lực cao cho các trường ĐH, viện nghiên cứu.

Tuy vậy, Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và mong đợi của xã hội. Việc tăng quy mô trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ.

“Vàng thau lẫn lộn”

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đào tạo tiến sĩ tại một số cơ sở còn có biểu hiện chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng.

Thậm chí có cơ sở không kiểm soát được số lượng, dẫn tới tình trạng tỉ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn ở mức cao. Có nơi còn không nắm được một người hướng dẫn đang hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh. Nhiều học phần bổ sung trong đào tạo tiến sĩ tổ chức vào ngày nghỉ, các buổi tối; việc tổ chức thảo luận định kỳ cho nghiên cứu sinh, để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ không được coi trọng.

Những bất cập của thực trạng đào tạo tiến sĩ đã làm nảy sinh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, dư luận đánh đồng những tiến sĩ thật sự có chất lượng, có những nghiên cứu, công bố quốc tế nổi bật với một số ít tiến sĩ được đào tạo tại những cơ sở có quy trình chưa chặt chẽ.

Thậm chí, ngay cả những cơ sở đào tạo lớn cũng vẫn bộc lộ bất cập trong đào tạo tiến sĩ. Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã rà soát và đưa ra một quyết định cứng rắn là dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng. Đồng thời bộ cũng đưa ra cảnh báo đối với 38 chuyên ngành của 18 cơ sở khác, do thiếu giảng viên cơ hữu.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành, thuộc 27 cơ sở đào tạo, sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Cũng từ năm 2012, Bộ GD-ĐT siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ, luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo với yêu cầu thẩm định luận án.

Từ năm 2016, tiếp tục rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo tiến sĩ (tập trung vào đội ngũ giảng viên).

Gần 1.000 ngành đào tạo tiến sĩ

Hiện nay cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có 114 trường đại học, 42 viện nghiên cứu. Quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh.(Nguồn: Bộ GD-ĐT cung cấp)

Tọa đàm về “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” trên tuoitre.vn

Hôm nay (10-11), Bộ GD- ĐT phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ”.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các khách mời sẽ cùng nhau trao đổi, đưa ra những đóng góp, phản biện về dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ sửa đổi bổ sung mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT cần có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của GS.TSKH Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội.

Buổi tọa đàm sẽ được trực tuyến trên tuoitre.vn từ 8g30.

Học vị tiến sĩ phải thuộc về người thực học, thực tài

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng đã đến lúc bậc đào tạo tiến sĩ cần phải có những bước chuyển quyết liệt hơn, trong việc siết chặt lại để học vị tiến sĩ được trao cho những người thực học, thực tài và có đóng góp hữu ích trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng cuộc sống. Việc đổi mới quy trình, phương thức đào tạo, đưa ra quy chế mới về đào tạo tiến sĩ là cần thiết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, và trên điều kiện quy chế cũ có những điểm không còn phù hợp, thậm chí đã bộc lộ bất cập. Một trong những thay đổi cần lưu tâm là trình độ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh. “Đây là điều kiện giúp nghiên cứu sinh phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, đọc hiểu tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn, tăng cường khả năng viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, tăng cường khả năng thuyết trình khi tham dự các hội thảo quốc tế” - ông Tớp nói.

Tuy nhiên, ông Tớp cho rằng nếu có thay đổi, Bộ GD-ĐT cần đặt ra lộ trình trong thực hiện hoặc công bố sớm để ứng viên kịp chuẩn bị. Hiện tại mỗi năm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 100 nghiên cứu sinh nhưng chỉ thông qua xét tuyển, chủ yếu dựa vào đề cương và chương trình nghiên cứu, chứ chưa đặt ra tiêu chuẩn đầu vào ngoại ngữ. Nếu Bộ GD-ĐT nâng tiêu chuẩn ngoại ngữ từ đầu vào, số lượng ứng viên trúng tuyển nghiên cứu sinh có thể có biến động. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ủng hộ thay đổi này, vì mục tiêu xa hơn của chất lượng nghiên cứu.


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161110/siet-lai-chat-luong-dao-tao-tien-si/1216669.html