Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (TS) được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, siết lại đầu vào và nâng cao chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo. Vấn đề lúc này là các biện pháp “hiện thực hóa” yêu cầu của Thông tư sẽ ra sao để công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao này thật sự đạt chất lượng, đáp ứng đòi hỏi hội nhập quốc tế.

Về tính khả thi


Siết chặt đào tạo tiến sĩ - Ảnh 1

Với nhiều điểm mới và sự khác biệt, quy chế mới được xem là chặt chẽ hơn và cao hơn về tiêu chuẩn so với các quy chế cũ, hướng tới nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Trong đó có nhiều điểm có tính khả thi như: rút ngắn thời gian đào tạo xuống tối đa còn 5-6 năm so với 7-8 năm như trước; ứng viên nghiên cứu sinh (NCS) phải là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất một bài báo khoa học; việc tuyển sinh được tiến hành nhiều lần trong năm; một trong những người hướng dẫn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo…

Tuy vậy, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định về công bố quốc tế cũng như những đòi hỏi đối với người hướng dẫn NCS và Hội đồng đánh giá luận án,…

Ở quy chế mới, ngoại ngữ được xác định là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho NCS trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, quy chế này đã không nhắc đến các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu được mười trường đại học trong nước tổ chức thi và cấp chứng chỉ như trước đây, mà chỉ sử dụng các chứng chỉ quốc tế tương đương. Mục đích của việc thay thế này chưa được giải thích rõ ràng. Phải chăng là do chất lượng hệ thống đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu mà Bộ GD-ĐT đã kỳ công xây dựng lâu nay để thay cho hệ thống chứng chỉ ABC cũ, là không bảo đảm chất lượng đầu vào đào tạo TS? Nếu chất lượng đã không bảo đảm thì nên bỏ.

Một điểm đáng chú ý khác, là yêu cầu NCS phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (peer-review) hoặc trong các tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn. Về vấn đề này còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi nếu chúng ta không có lộ trình hợp lý.

Thống kê của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016 vừa qua cho thấy: 703 tân GS, PGS trong sự nghiệp khoa học của mình đã công bố 24.446 bài báo khoa học, trong đó có 278 ứng viên công bố 2.413 bài báo ISI, Scopus (tức là số ứng viên có công trình công bố ISI và Scopus chỉ có 40%, và số công trình công bố trên ISI và Scopus chỉ bằng 9,87% tổng số công trình mà các ứng viên đã công bố). Có 10 hội đồng ngành 100% ứng viên GS có bài báo ISI, Scopus; có 2 trên 28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế; hội đồng ngành có số bài báo ISI, Scopus nhiều nhất là: Vật lý có 537 bài và Hóa học - công nghệ thực phẩm là 509 bài.

Con số thống kê trên cho thấy đối với một số ngành như vật lý, hóa học, toán học, cơ học,… thì quy chế mới không gia tăng sức ép đối với các NCS; nhưng với một số ngành khác thì đây là “chuyện lớn”, thậm chí tác động trực tiếp đến số người dự tuyển chương trình đào tạo TS sắp tới.

Cần nhận thức rõ hơn về mục tiêu đào tạo

Để có thể đưa quy chế mới vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả của nó thì vẫn cần những giải pháp hỗ trợ về nhận thức và công tác quy hoạch. Trước hết cần hiểu TS là gì? Sau đó là học TS để làm gì?



Siết chặt đào tạo tiến sĩ - Ảnh 2

 


Theo trang web FindAPhD thì TS là “một loại bằng cấp duy nhất, liên quan đến công việc hàn lâm cao cấp và được theo đuổi bởi một số tương đối ít học viên”. Bằng TS - có thể định nghĩa đơn giản là một bằng sau đại học cao cấp liên quan đến ba năm nghiên cứu độc lập về một chủ đề chưa ai biết đến (original topic); được thực hiện với sự hỗ trợ của một hoặc nhiều chuyên gia giám sát (người hướng dẫn); kết quả là có được một luận án cung cấp một đóng góp căn nguyên đáng kể cho kiến thức và được nhận học vị TS khi bảo vệ thành công. TS cũng là bằng cấp cao nhất và là chuẩn phổ biến cho nghề nghiệp trong giới học thuật.

Là một NCS TS, bạn phải làm việc một cách độc lập để có thể đẩy ranh giới của kiến thức trong lĩnh vực của bạn vượt ra ngoài những gì hiện đang được biết đến (và người ta đã dạy) về nó. Những nghiên cứu như vậy có thể là: điều tra có hệ thống, các dự án thí điểm và nghiên cứu khả thi được thiết kế cho mục đích mở rộng kiến thức hoặc sự hiểu biết, bao gồm thu thập và phân tích dữ liệu từ các bảng câu hỏi, quan sát, thao tác, lấy mẫu, thử nghiệm.

Theo truyền thống, TS đã được xem như là một quá trình đào tạo, chuẩn bị cho NCS bước vào sự nghiệp nghiên cứu hàn lâm. Như vậy, nó thường bao gồm các cơ hội để nhận thêm kỹ năng và kinh nghiệm là một phần quan trọng của một lý lịch khoa học.

TS hiện đại được xem như một bằng cấp linh hoạt hơn. Không phải tất cả NCS sau khi có bằng TS đều làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học hoặc các viện nghiên cứu, cũng như là không phải chỉ những ai làm việc hoặc có cơ hội việc làm chắc chắn trong trường đại học hoặc viện nghiên cứu mới nên làm NCS. Nhiều người theo đuổi những sự nghiệp khác có liên quan đến chủ đề chuyên môn hoặc dựa vào các kỹ năng nghiên cứu tiên tiến mà họ đã phát triển trong quá trình học.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy ở Anh (mặc dù điều này cũng đúng ở Ô-xtrây-li-a, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc), chỉ có ít hơn một nửa số người có học vị TS đi vào các học viện và các ngành nghề khác mà họ theo đuổi. Tất cả các lựa chọn nghề nghiệp sau TS cần được coi là những cơ hội có giá trị như nhau.

Vì thế, nhiều cơ sở giáo dục nhấn mạnh các kỹ năng chuyển tiếp, hoặc bao gồm các đơn vị đào tạo cụ thể được thiết kế để giúp NCS giao tiếp và áp dụng các nghiên cứu của họ ra bên ngoài trường đại học và viện nghiên cứu. Theo đó, trong quá trình nghiên cứu, NCS cũng sẽ phải làm một số (hoặc tất cả) những công việc như là: giảng dạy, thuyết trình tại hội nghị, viết bài cho tạp chí khoa học hoặc viết sách và tham dự các hoạt động xã hội để truyền bá những ý tưởng học thuật,… Những kỹ năng này hoàn toàn có ích cho TS sau khi tốt nghiệp, làm việc ở những cơ sở kinh tế - xã hội phi hàn lâm, đặc biệt là ở bộ phận tham mưu (think-tank).

Cuối cùng là Nhà nước cần có kế hoạch chiến lược về nguồn lực TS cho đất nước. Để tránh tình trạng TS cũng sẽ thất nghiệp như các cử nhân, các cơ sở giáo dục không chỉ biết đào tạo theo năng lực mà cần quan tâm đầy đủ đến nhu cầu nhân lực trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Về phía NCS, cần nhận thức được những khó khăn vất vả trong những năm phải làm việc độc lập và cật lực với những đòi hỏi cao của chương trình TS, để có được những kết quả nghiên cứu mới, đóng góp thiết thực cho sự mở rộng kiến thức thuộc lĩnh vực mà NCS theo đuổi, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Theo nhandan.com.vn