Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014
Đó là một trong những nội dung của Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng mà Bộ GD&ĐT mới công bố.
Tiếp tục ba chung trong 3 năm tới
Theo nội dung của bản Dự thảo Tự chủ tuyển sinh (TCTS), bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD&ĐT chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để các trường tự chủ tuyển sinh và Bộ sẽ tập trung làm chức năng quản lý nhà nước trong thanh kiểm tra, giám sát để kỳ thi tuyển sinh diễn ra trật tự, an toàn và không gây lo lắng cho học sinh.
“Thực chất, đây là cuộc cạnh tranh mới và các trường bắt đầu phải quan tâm thương hiệu. Tổ chức thi riêng, các trường thương hiệu tốt có thể có được nhiều sinh viên hơn. Vì vậy, các trường xác định phương án thi cần thận trọng, dù Bộ chấp nhận phương án nhưng xã hội cảm thấy chất lượng không cao thì thương hiệu của nhà trường cũng sẽ giảm thôi. Các bậc phụ huynh và thí sinh cũng cần tỉnh táo khi chọn trường thi”. - Ông Quốc Anh, Vụ trưởng giám đốc văn phòng 2 Bộ GD&ĐT
Tuy nhiên, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, trong vòng 3 năm tới Bộ vẫn tiếp tục tổ chức thi kỳ thi ba chung để các trường chưa có điều kiện tuyển sinh riêng tiếp tục dùng kết quả của kỳ thi này để tuyển.
Tuyển sinh riêng: Sẽ thêm 2 kỳ tuyển sinh trong năm
Trường ĐH, CĐ nào muốn sử dụng kết quả thi ba chung để tuyển sinh phải đăng ký với Bộ để tham gia kỳ thi này; các trường tự chủ tuyển sinh riêng có thể lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả 2 hình thức này.
“Các trường tổ chức thi TS riêng phải đảm bảo các yêu cầu: không để phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp để tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát; công bố rộng rãi phương án tuyển sinh để xã hội giám sát”. Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Theo Dự thảo TCTS, các trường lựa chọn phương án thi tuyển cần phải xác định rõ môn thi, hình thức thi, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển...; các trường lựa chọn phương thức xét tuyển cần phải định rõ môn xét tuyển, hình thức xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển...; những trường lựa chọn kết hợp giữa hai phương thức trên, ngoài các quy định chung, cần quy định rõ ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng.
Ngoài 3 phương thức tuyển sinh nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu...
Thi riêng không được dùng kết quả ba chung
Theo ông Ga, các trường đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì không dùng kết quả tuyển sinh của Bộ. Để tuyển sinh, các trường chỉ được tổ chức thi riêng tối đa là 2 lần trong một năm. Thời điểm thi riêng là do Bộ quy định để tránh phát sinh hiện tượng thi cử quanh năm. Nhiều trường đăng ký trong một thời gian gần nhau thì Bộ sẽ quy định tổ chức thi vào thời gian nhất định.
Ông Ga cho biết thêm: Bộ sẽ quy định một số đợt thi, một số thời điểm thích hợp trong năm học và các trường lựa chọn. Kết quả thi riêng của một trường chỉ có giá trị xét tuyển trong trường đó mà không có giá trị xét tuyển vào trường khác; nếu 1 nhóm trường thi chung thì kết quả cũng chỉ có giá trị trong nhóm trường đó.
“Quy định mới mở tối đa khả năng tuyển sinh cho các trường. Các trường có thể tổ chức thi riêng cho từng phần cho một số khoa, một số ngành, còn các ngành khác có thể vẫn thi ba chung. Tuy nhiên, ngành thi riêng cũng không được dùng kết quả ba chung để xét”, ông Ga nhấn mạnh thêm.
Ông Ga cũng cho biết, Bộ đang soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, sẽ được công bố nay mai, để các trường có thể dựa vào đó xác định hình thức thi tuyển sinh cho trường mình.
>>Những đại học đề xuất tuyển sinh riêng
Theo Hồ Thu, Tiền Phong