Che giấu thông tin tiêu cực trong thi cử chính là nuôi dưỡng sự dối trá. Những học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp bằng tiêu cực sẽ vào đời với suy nghĩ gian lận cũng là phương cách tốt...
Rất nhiều bạn đọc đã phản ứng dữ dội khi nghe thông tin Bộ GD-ĐT ra văn bản yêu cẩu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo báo chí phải trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi thông tin về những tiêu cực trong thi cử. Theo nhiều bạn đọc đây là kiểu bưng bít thông tin nhằm lấp liếm những tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học sắp tới.
Quyền của Bộ GD-ĐT to thế!
Ngán ngẩm trước cách làm của Bộ GD-ĐT, bạn đọc Triết Minh, cảm thán: “Quá buồn cho ngành giáo dục của chúng ta. Những người quản lý giáo dục mà lại luôn muốn bưng bít thông tin thì làm sao mà có thể tạo ra được những sản phẩm tốt (vừa đức, vừa tài) được. Phải biết cầu thị, làm tốt hơn sau những gì rất tệ đã xảy ra trong những kỳ thi tốt nghiệp trước đây. Cứ “ôm” những hạn chế của mình thì bao giờ mới khá được”.
Bạn đọc Hoàng Minh Nhật đặt câu hỏi: “Chủ tịch các tỉnh, thành đâu phải dưới quyền của Bộ GD-ĐT mà ra văn bản "chỉ đạo" kinh thế! Tại sao lại buộc báo chí báo cáo trước khi đăng tin tiêu cực trong thi cử? Thật không hiểu nổi tư duy quản lý, cách điều hành của bộ này. Những tưởng sau vụ tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang) năm ngoái thì năm nay bộ này phải rút kinh nghiệm, tổ chức thi cử cho tốt hơn. Oái ăm thay, “rút kinh nghiệm” kiểu chỉ đạo bưng bít thông tin như thế này thì thật là không dám tin vào sự nghiêm túc của các kỳ thi tốt nghiệp”.
Nói về việc tổ chức thi tốt nghiệp trong những năm qua, bạn đọc Tư Café cho biết: “Vấn đề gian lận trong thi cử không chỉ có ở Đồi Ngô mà xảy ra ở nhiều nơi; không chỉ có ở năm vừa qua mà đã xảy ra cả nhiều năm trước đó. Việc bưng bít thông tin kiểu này chính là căn bệnh thành tích. Muốn các kỳ thi được thông tin một cách tốt đẹp để tự ca ngợi là "nghiêm túc", "trung thực", "công bằng"... Nếu báo chí tự do tác nghiệp ở các hội đồng thi thì tôi tin chắc sự thật trong thi cử ở các kỳ thi tốt nghiệp mới được phơi bày, những vấn đề "phi giáo dục" trong ngành giáo dục mới hầu mong giảm bớt”.
Không cầu thị
Che giấu thông tin về tiêu cực trong thi cử chính là nuôi dưỡng sự dối trá. Nhìn vào cách làm này của Bộ GD-ĐT thì học sinh sẽ nghĩ gì? Những học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp bằng tiêu cực sẽ vào đời với suy nghĩ gian lận cũng là phương cách tốt để bước vào xã hội. Điều này phản giáo dục và thật nguy tai, nó hạ thấp những chuẩn mực đạo đức trong ý thức học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đích thân bộ trưởng không muốn trung thực thì mong gì dạy được học sinh trung thực.
Bạn đọc Phương Nguyễn, nói thẳng: “Với tư cách là một giáo viên đã công tác lâu năm trong ngành giáo dục, tôi cảm thấy xấu hổ trước văn bản này. Phải chăng gây áp lực với báo chí để những tiêu cực như vụ trường Đồi Ngô có cơ hội hoành hành, để ngành giáo dục tiếp tục đào tạo ra cho xã hội những con người yếu kém về chuyên môn, gian xảo trong lối sống?”.
Cùng sự thất vọng như trên, bạn đọc tên Quang101 cho rằng: Vấn đề này nằm ở chỗ cái DŨNG của người đứng đầu Bộ GD-ĐT. Giáo dục là phải dạy cho mọi người sự trung thực và có trách nhiệm ngay từ nhỏ. Có trung thực thì mới thấy và sửa được cái sai của mình. Có trách nhiệm mới cân nhắc trong mọi hành vi, mọi lời nói, mọi văn bản ban hành để việc mình làm ngày càng tốt hơn...”.
Tật xấu “đẹp khoe, xấu che”
“Phải thấy rằng báo chí đã góp phần rất lớn trong việc phát hiện các tiêu cực trong xã hội. Nhờ báo chí mà chúng ta mới tạo được một sự dân chủ trong việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đóng cửa với báo chí có nghĩa anh đã đóng cửa với bản thân, không muốn nhìn vào sự thật. Điều này người bình thường đã nên tránh huống gì là người làm giáo dục” - bạn đọc Nguyễn Xuân Giang.
"Đẹp khoe xấu che" đó là cái bệnh chung của nhiều ngành, và Bộ GD - ĐT cũng cũng thế. Năm nào cũng nghe lãnh đạo bộ này nói: Ngăn chặn hiện tượng lộ đề, thi hộ, thi thuê… nhưng rồi tiêu cực vẫn xảy ra bình thường” - bạn đọc Tư Lò Xo.
Thông tin cần biết:
Tỷ lệ chọi 2013
Tin bài gốc: NLD
Kenhtuyensinh
Theo: NLD