Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra hành chính với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (việc thanh tra thực hiện tháng 7.2017). Theo đó, trường này có hàng loạt sai phạm về vấn đề tuyển sinh, liên kết đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, tiếp nhận tiền tài trợ…

Sau thanh tra, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có hàng loạt sai phạm

Bổ nhiệm trưởng khoa chưa có bằng tiến sĩ theo quy định

Về công tác tuyển dụng viên chức, trong 3 năm 2015-2017, trường tuyển dụng tổng cộng 75 viên chức nhưng quy trình tuyển dụng chưa thực hiện đúng quy định theo Thông tư 15 của Bộ Nội vụ. Các thông báo tuyển dụng đều không nêu rõ hình thức. Nội dung thi tuyển thiếu các môn kiến thức chung, thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành (phần thi viết). Tuyển dụng các vị trí trí chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau nhưng không xây dựng các đề thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của vị trí cần tuyển.

Kiểm tra một số hồ sơ tuyển dụng cho thấy trường ký hợp đồng làm việc lần đầu với Võ Hoàng Thủy Tiên không đúng quy trình tuyển dụng của trường, xét tuyển đặc cách, ký hợp đồng làm việc với ông Hoàng Xuân Bách và bà Đỗ Nữ Bích Duyên không đúng quy định.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ năm 2015 đến tháng 7.2017, trường có tổng cộng 77 hợp đồng lao động. Trong đó, kiểm tra một số hợp đồng cho thấy các hợp đồng có thời hạn 6 tháng và ký liên tiếp nhiều hợp đồng cùng một cán bộ để làm công việc có tính thường xuyên chưa đúng quy định của Bộ Lao động.

Thanh tra Bộ cũng kết luận có sai sót trong việc bổ nhiệm 4 trưởng khoa, trưởng bộ môn. Cụ thể, bổ nhiệm trưởng khoa Cơ khí động lực và khoa Công nghệ may thời trang khi chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tiến sĩ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Điều lệ trường ĐH; bổ nhiệm trưởng bộ môn Thương mại và bộ môn Kết cấu công trình khi chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tiến sĩ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Điều lệ trường ĐH.

3 năm liên tiếp tuyển vượt chỉ tiêu

Kết luận thanh tra còn cho thấy trường này có nhiều vi phạm liên quan đến đào tạo và tuyển sinh ở các bậc học.

Với bậc ĐH hệ chính quy, trường đã tuyển vượt chỉ tiêu liên tiếp trong 3 năm. Cụ thể, năm 2015 tuyển 4.611/3.880 chỉ tiêu (vượt 19%), năm 2016 tuyển 4.523/4.165 chỉ tiêu (vượt 8,6%) và năm 2017 tuyển 4.935/4.336 chỉ tiêu (vượt hơn 13%).

Ngoài ra, trường đã liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học với 24 đơn vị khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT theo quy định (năm 2015 với 11 đơn vị, năm 2016 với 9 đơn vị và năm 2017 với 4 đơn vị).

Với chương trình đào tạo thạc sĩ, trường cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức môn học trình độ sau ĐH chưa đúng quy định. Học viên có thể tham gia học chung với các lớp thạc sĩ tại trường, hoặc trường mở lớp tại địa phương khi đạt số lượng tối thiểu 20 người/lớp. Theo báo cáo của trường, từ năm 2015-2017 đã cấp 781 chứng chỉ cho học viên (năm 2015 gồm 307 chứng chỉ, 2016 là 250, 2017 là 161).

Về tuyển sinh trình độ tiến sĩ, có 2 người dự tuyển có bằng thạc sĩ nước ngoài nhưng 2 bằng này chưa được công nhận theo quy định của Bộ.

Công tác liên kết đào tạo nước ngoài trường cũng có vi phạm trong tuyển sinh đầu vào. Cụ thể là xét trúng tuyển thí sinh không đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH chưa đúng quy định ở chương trình liên kết đào tạo trình độ ĐH với Trường ĐH Sunderland (Vương quốc Anh).

Tài trợ của nước ngoài… chuyển vào tài khoản cá nhân

Về quản lý, sử dụng kinh phí năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và có thông báo kèm kiến nghị về các vấn đề như chấn chỉnh công tác tài chính, kế toán, công tác quản lý thu học phí qua Ngân hàng BIDV, nghiêm cấm xé nhỏ hợp đồng mua sắm gây lãng phí ngân sách và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…

Trong công tác mua sắm thiết bị, có 3 gói thầu trị giá hơn 13 tỉ đồng được thực hiện trong vòng 1 tháng và đều do Công ty cổ phần Thông tin và Giáo dục EIG trúng thầu. Tuy nhiên, việc kiểm tra hồ sơ mua sắm có nhiều vấn đề, như chưa xác định rõ nhu cầu cần thiết phải đầu tư, lựa chọn nhà thầu không đúng theo quy định, không có báo giá của nhà thầu.

Trường còn ký các hợp đồng cho thuê cơ sở vật chất chưa đúng quy định của Bộ tài chính, tổ chức thực hiện 3 gói thầu mua sắm dữ liệu sách điện tử chưa đúng quy định của Chính phủ.

Đáng lưu ý là sai phạm liên quan đến việc tiếp nhận tài trợ Phòng dạy học số do không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 38/2013 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Cụ thể, Trường ĐH Bang Arizona (Mỹ) tài trợ số tiền 280.000 USD cho trường trang bị phòng dạy học số. Tuy nhiên, theo đề nghị của Hiệu trưởng trường này, số tiền trên không được chuyển về tài khoản của trường mà chuyển về tài khoản ngoại tệ cá nhân của ông Lê Thanh Phúc (trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao). Số tiền này cũng không được nhập vào sổ sách tiền tài trợ, trường không báo cáo về viện trợ nước ngoài và sử dụng số tiền trên. Trường đã thực hiện hợp đồng mua bán thiết bị và hợp đồng phụ lục ảo giá tiền trên 5,8 tỉ đồng nhưng không tổ chức đấu thầu, không có biên bản giao nhận thiết bị.

Phòng thí nghiệm dạy học số do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải phụ trách không có sổ quản lý tài sản thiết bị.

Theo Thanh niên