Trước việc trùng lập một số chức năng nhiệm vụ, đã có ý kiến đề xuất sáp nhập Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN thành một bộ duy nhất.

Có tính khả thi

Trước đó, ngày 1.11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nhập những bộ trùng chức năng nhiệm vụ với nhau hết sức cần thiết nhằm giảm được bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế nhà nước… Ý tưởng sáp nhập Bộ KH-CN với Bộ GD-ĐT là có tính khả thi. Hai bộ này hiện nay có những chức năng, nhiệm vụ chồng chéo với nhau nên nhất thiết phải nghiên cứu để thực hiện.

Đề xuất sáp nhập Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN cũng được lãnh đạo nhiều trường ĐH ủng hộ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Tôi ủng hộ ý tưởng này. Hiện nay công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) đang bị xé lẻ ra nhiều nơi quản lý, từ cấp trường, cấp sở ở các tỉnh, tới Bộ GD-ĐT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN. Trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn mà tiền rải khắp nơi, dẫn đến ít có công trình nghiên cứu giá trị. NCKH ở các nước chủ yếu diễn ra tại các trường ĐH. Thậm chí, doanh nghiệp còn thành lập phòng nghiên cứu ngay trong trường ĐH, bỏ tiền ra để các thầy cô nghiên cứu, để sau đó sản phẩm được chuyển giao về công ty. Việc sáp nhập này có thể tạo ra 'cú hích' cho các trường đi lên, phát triển tốt hơn công tác NCKH ở các trường”.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cũng cho rằng sáp nhập Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN là việc nên làm. Nói chung ở nhiều nước, về cơ bản thì cả hai tổ chức này đều là một. Chức năng, nhiệm vụ hai bộ hiện tại đang có nhiều thứ trùng nhau, nhất là về NCKH.

Sáp nhập Bộ GD-ĐT và Bộ Khoa học - công nghệ: Nên hay không?
Giảng viên nghiên cứu khoa học sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện

Chưa chắc sẽ tinh gọn

GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), cho biết ở Mỹ, KH-CN không được quản lý bởi một bộ. Những vấn đề liên quan đến phát triển NCKH sẽ được xem xét bởi một Hội đồng tư vấn gồm những nhà khoa học nổi tiếng ở các trường ĐH. Thành viên đầu não không phải là những người làm nhân viên hành chính mà là các nhà khoa học. Cả nước Mỹ, bộ phận làm hành chính cho việc này có rất ít người. Hội đồng này sẽ tư vấn cho Chính phủ là hướng phát triển KH-CN thế nào, phân bổ ngân sách ra sao… và đưa định hướng này đến những nơi cần phân bổ. Hội đồng sẽ phân bố ngân sách lên những cơ sở và quỹ nghiên cứu quốc gia theo chiến lược phát triển đã được Chính phủ quyết định. Việc này cũng giống như Quỹ NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia), nhưng NAFOSTED thì chỉ làm công việc phân bổ ngân sách là chủ yếu.

Theo GS Thành, thật ra, nếu sáp nhập Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN làm một thì chưa chắc sẽ tinh gọn được mà có thể làm rối lên sứ mệnh của cả hai bộ. Nếu muốn tinh gọn thì nên tinh gọn ngay chính Bộ KH-CN. Có thể biến Bộ KH-CN thành đơn vị quản lý ngân sách NCKH thôi. Hoặc tinh gọn luôn Bộ KH-CN và mở rộng thêm chức năng của Quỹ NAFOSTED. Về chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ quản lý. Còn về KH-CN, chỉ cần có một đơn vị đủ tầm để quản lý mà không cần quá nặng nề, cồng kềnh về bộ máy.

“Điều quan trọng nhất phải xác định là chiến lược phát triển KH-CN cho quốc gia thì không phải người nào cũng có thể đủ tầm để đưa ra phương hướng và quyết định được. Muốn có chiến lược phát triển phù hợp cần những nhà khoa học nổi tiếng tham gia. Đó là những người có tầm nhìn xa, biết tương lai sẽ đi đến đâu. Mà công việc như vậy, chỉ cần một Hội đồng tư vấn gồm những nhà khoa học giỏi nhất của quốc gia là đủ”, ông Thành nói.

Theo Thanh niên