>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Sao không công bố minh bạch điểm thi tốt nghiệp THPT
Học sinh trường THPT Gia Định đang chờ xem điểm thi THPT Quôc gia 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mất hàng giờ liền vẫn không xem được điểm thi do nghẽn mạng, học sinh vùng sâu khó khăn trong tiếp cận internet để tra cứu điểm thi tốt nghiệp 2015…Điểm thi của học sinh có cần minh bạch để có cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục?

Muốn biết điểm thi thôi sao cực quá!

Đó là lời “than thở” của rất nhiều phụ huynh và học sinh trong hai ngày qua đối với việc tra cứu điểm thi THPT Quốc gia 2015.

Hàng ngàn thí sinh trên cả nước phải "vật vã" bên máy tính.

Chị Bích Hồng (Q3, TPHCM) chia sẻ, từ chiều 22-7 cả gia đình chị và con trai đã trực chiến bên chiếc máy tính để xem điểm thi cho con, nhưng sau nhiều giờ hì hục bên màn hình vẫn hệ thống chỉ báo lỗi, lí do nghẽn mạng.

Hiệu trưởng một trường THPT cho biết chiều ngày 22-7 cô đã phải mở cửa phòng vi tính của trường, bố trí sẵn các thầy cô chuyên trách để hướng dẫn và hỗ trợ cho các em có nhu cầu đến xem điểm thi.

Cô hiệu trưởng này cũng cho biết, như mọi năm nhà trường đã có ngay kết quả để nắm bắt tình hình, chất lượng thi của các em, nhưng năm nay, ở thời điểm này nhà trường cũng rất lo lắng vì chưa có được thông tin.

Các em học sinh và phụ huynh ở các vùng sâu, vùng xa hệ thống internet xa nhà gặp khó khăn không kém.

Chị Thúy (xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai) than phiền: “Mấy năm trước anh chị nó thi, mình chỉ cần mua báo xem, hoặc bồn chồn lắm thì gọi điện thoại để hỏi, tóm lại là có nhiều cách. Giờ lại nghe con nó bảo chỉ xem được trên internet, tôi phải cho tiền con chạy xe 17 cây số mới có tiệm internet vậy mà ngồi từ chiều đến tối về nó bảo hư mạng gì đó, chưa xem được, tôi thấy phiền lòng quá vì hôm sau cháu lại phải đạp xe 17 cây số để xem tiếp”.

Kỳ thi này 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, gồm 752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối giáo dục thường xuyên (GDTX).

Đã lường trước sao vẫn lúng túng trong xử lý

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận rằng trong một thời điểm phải đồng loạt đưa một lượng dữ liệu đồ sộ lên mạng cho hàng chục ngàn lượt truy cập, nên có những trục trặc kỹ thuật là việc phải chấp nhận.

Đường truyền được thiết kế có khả năng cho phép tối đa 60.000 lượt truy cập trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, vào lúc khởi động việc cung cấp điểm thi, số lượng thí sinh truy cập vượt quá con số trên nên mới dẫn tới tình trạng nghẽn mạng.

Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh không đồng tình với quan điểm này.

Ông Trần Thanh Tuấn (52 tuổi, TP.HCM) có con cũng vừa biết điểm thi tốt nghiệp cho biết: “Một năm có một lần truy cập điểm thi, rõ ràng Bộ GD-ĐT có dư thời gian, kỹ thuật, tư vấn để làm trang mạng cho các bậc phụ huynh và học sinh (HS) xem điểm, công nghệ bây giờ rất hiện đại. Khổ các em học sinh và cha mẹ hồi hộp lo lắng khi xem điểm, lúc được lúc mất, thật quá đau tim! ”

Bên cạnh đó, nắm bắt tâm lý của thí sinh, phụ huynh muốn biết ngay điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều dịch vụ ra đời, kiếm bộn tiền của phụ huynh bằng tra cứu điểm thi qua tin nhắn SMS .

Trước ý kiến cho rằng quy trình để đăng nhập xem điểm thi cũng rất rườm rà, phức tạp, Ông Trần Quang Chiến - giám đốc Công ty An toàn thông tin và truyền thông Việt Nam (VNIST) đánh giá, trang web của Bộ Giáo dục yêu cầu người truy cập phải nhập các thông tin của thí sinh nhằm để phòng tránh những bên dùng những công cụ tự động để lấy cắp thông tin từ cơ sở dữ liệu của Bộ.

Ông Chiến nghĩ rằng, Bộ GD&ĐT cũng đã lường trước số lượng truy cập hoặc những vấn đề phát sinh tuy nhiên có thể một số biện pháp kĩ thuật, nâng cao về công nghệ chưa được đầu tư hoặc sự hạn chế về tài chính đã dẫn đến tình trạng biết trước nhưng vẫn không xử lý được rủi ro.

Cần minh bạch điểm thi để xã hội đánh giá chất lượng giáo dục

Nhiều ý kiến cho rằng nên công khai điểm thi vì khi công khai điểm thi thì thí sinh sẽ có được sự lựa chọn đúng khi đăng ký nguyện vọng đại học bởi có thể thống kê được những trường chọn cao hay thấp, căn cứ số điểm đầu vào.

Tránh được trường hợp của nhiều năm trước đây, có nhiều em học giỏi, chọn thi vào trường Y, không đậu thì cũng không còn cơ hội vào những trường tốt khác.

PGS Văn Như Cương - chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết ông cũng mới biết những thông tin đổi mới về cách thức công bố điểm thi cho học sinh và Bộ GD&ĐT giữ vị trí độc quyền về việc quản lý và công bố.

Sao không công bố minh bạch điểm thi tốt nghiệp THPT
PGS Văn Như Cương

Tuy nhiên PGS Văn Như Cương cho rằng như thế là thiếu minh bạch. Vì những thông tin Bộ này công bố sau đó như tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm, chất lượng năm nay thế nào sẽ dựa trên cơ sở nào để xã hội tin tưởng và cảm thấy thuyết phục?

Thông tin điểm thi cần được minh bạch rõ ràng để tất cả mọi người đều được biết, có thế xã hội mới có tiêu chuẩn và niềm tin để đánh giá và biết được chất lượng giáo dục đang ở mức nào.

“Bảo rằng phải quản lý vì sợ những rủi ro hoặc sai sót trong điểm số từ phía các trường hoặc địa phương, nhưng khi đưa lên Bộ GD- ĐT vẫn có thể sửa điểm lại và việc độc quyền đó lại càng không ai biết thì sao lại lo sợ sự thiếu chính xác”, PGS Văn Như Cương phát biểu.

Ông Cương đề nghị việc công bố điểm vẫn nên giữ như trước giờ vẫn làm, thuận tiện cho phụ huynh và học sinh tra cứu và nhà trường cũng dễ dàng trong việc nắm bắt tình hình thi cử của học sinh mình.

Trước giờ cũng hiếm có trường hợp sai sót điểm thi, nếu có thì chúng ta tìm ra nguyên nhân trong từng trường hợp, sau đó chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, chứ không phải thay đổi một cách không hợp lý như hiện nay, ông Cương khẳng định.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150724/sao-khong-cong-bo-minh-bach-diem-thi-tot-nghiep-thpt/782085.html