Sách giáo khoa sẽ được đổi mới vào năm 2018
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên trong chính phủ chuẩn bị báo cáo, tờ trình, dự án đề ra trong một số công việc liên quan đến đổi mới đất nước. Trong đó, đáng lưu ý nhất là Tờ trình và báo cáo của Bộ trưởng về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc vào ngày 20.10 tới đây, Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo sẽ phải báo cáo Chính phủ về việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có chủ trương thực hiện một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Việc Bộ giáo dục không còn "độc quyền" sách giáo khoa sẽ là sự đổi mới lớn trong việc dạy và học của học sinh thời gian tới.
Để xây dựng tờ trình, Bộ giáo dục đào tạo đã được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý và ủng hộ chương trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ đề ra. Bên cạnh đấy, các mục tiêu như đổi mới chất lượng dạy và học, đảm bảo hiệu quả của nền giáo dục truyền thụ kiến thức kỹ năng mềm cũng như hiểu biết xã hội tới học sinh là vô cùng cần thiết.
Riêng về việc phát triển đội ngũ giáo viên giàu năng lực, có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng được nhu cầu cơ bản đổi mới sách giáo khoa theo từng lộ trình đã được lên chi tiết trong từng dự thảo. Theo lộ trình, sách giáo khoa sẽ được đổi mới theo các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: từ tháng 1.2015 đến tháng 6/2017: Chuẩn bị và thực hiện tốt các điều kiện xây dựng chương trình sách giáo khoa mới và được đông đảo ý kiến đồng thuận.
- Giai đoạn 2: từ tháng 7.2017 đến tháng 6/2018: Lên kế hoạch, xây dựng điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách liên quan đến việc đổi mới sách giáo khoa. Chọn lọc những người có năng lực biên soạn và thẩm định chương trình trước khi được đưa ra áp dụng. Bên cạnh đó phải tích cực tuyên truyền về sự đổi mới sách giáo khoa theo chủ trương của đất nước. Bộ Giáo dục sẽ cho đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ biên soạn tới các NXB để họ lựa chọn và triển khai một cách đồng bộ, tránh thế "độc quyền" trong từng bộ sách.
- Giai đoạn 3: Từ tháng 7.2018 đến hết tháng 12/2021: Áp dụng triển khai chương trình mới của sách giáo khoa và chương trình dạy và học. Tiếp tục tiếp thu các kiến thức cũng như ý kiến của các nhà chuyên môn, lãnh đạo hoàn thiện hơn trong bộ sách đổi mới này.
Dạ Thảo