Nhiều quan điểm nhấn mạnh rằng đây là giai đoạn bản lề để giáo dục phổ thông đổi mới tích cực và phù hợp hơn với việc dạy và học theo hướng đơn giản và trọng tâm. Đặc biệt, việc triển khai thi THPT quốc gia theo hướng đánh giá năng lực trong đó kế thừa phương pháp thi đã được ĐHQG Hà Nội triển khai thành công nhiều năm nay, được tin tưởng là những nền tảng hoàn toàn có thể nghiên cứu để triển khai đại trà tại kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ trong năm 2017 này.

Đổi mới thi giúp đánh giá người học toàn diện

Theo nhiều nhà giáo dục và các thầy cô giáo hiện đang đứng lớp ở nhiều trường phổ thông, việc đổi mới thi trong dự thảo đưa ra với các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm năm 2017, rõ ràng là mới, nhưng đây là cách thức của những nền giáo dục tiên tiến. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ những cách làm cũ mà vẫn kêu gọi đổi mới thì đổi mới gì?

Tác động đầu tiên để đổi mới chính là việc thay đổi cách thức thi và cùng với đó là nội dung chương trình. Thực tế cho thấy, với những nội dung thi theo hướng trắc nghiệm mà Bộ đưa ra trong Dự thảo đã được nghiên cứu rất kỹ và có thử nghiệm đạt kết quả cao. Đó là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, được triển khai thi tuyển đầu vào các trường thành viên 2 năm nay đã được xã hội đánh giá cao.

Về việc này, NGƯT. TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho rằng: Tâm lý chung của xã hội là rất ngại đổi mới, luôn đòi hỏi nào là giảm gánh nặng, đơn giản hóa việc thi, nhưng đến khi các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì lại có những ý kiến khác. Tôi hoàn toàn đồng tình với các nội dung đổi mới thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ được dự thảo đưa ra trong năm 2017 này.

Có vẻ như còn nhiều băn khoăn về nội dung thi trắc nghiệm, theo tôi đây là điều hoàn toàn không đáng lo vì nội dung có phần kế thừa kết quả thi trắc nghiệm đánh giá năng lực đã được ĐHQG Hà Nội nghiên cứu triển khai rất bài bản, có hệ thống và đã đạt được thành công. Cách thức thi sẽ là vậy nhưng nội dung thi sẽ có những điều chỉnh trên nền những kiến thức cơ bản để phù hợp với kỳ thi đánh giá năng lực để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Ông Hà Hồng Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam cũng đặc biệt tin tưởng vào những đổi thay tích cực trên, ông cho biết: Những đổi mới này đang hướng đến việc đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hơn, kết quả thi sẽ giúp các trường phổ thông thay đổi cách dạy và học.

Việc ra đề trên kiến thức cơ bản tôi cho rằng học sinh không phải lo lắng vì đây cũng là nội dung trong các sách giáo khoa các em đã được học, cái mới chỉ là cách thức thi, nhưng điều này hoàn toàn có thể làm quen được vì thời gian còn khá dài, điều cần thiết lúc này là đồng tình ủng hộ vì những nội dung thay đổi này rất tích cực, hoàn toàn có lợi cho các nhà trường và học sinh.

Việc đánh giá năng lực thí sinh toàn diện cũng giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh từ trường có yêu cầu cao đến những trường yêu cầu thấp, và cũng rất thực tế với những trường cao đẳng cộng đồng, vì chúng tôi đào tạo chủ yếu đáp ứng nhu cầu lao động cho địa phương.

Những ưu điểm từ kỳ thi đánh giá năng lực

Giải đáp một số ý kiến quan ngại, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đơn vị đã triển khai thành công phương pháp thi đánh giá năng lực vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội, cho biết: Đây là cách thức được ĐHQG Hà Nội nghiên cứu rất kỹ dựa trên cách thức tổ chức kỳ thi SAT của Hoa Kỳ. Qua 3 năm thí điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cho thấy, cách thức này đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh một cách khách quan và đơn giản.

Qua triển khai chúng tôi thấy có những ưu điểm, như: Thứ nhất, tính khách quan tăng lên, mỗi thí sinh có đề thi riêng, hạn chế gian lận và những vấn đề phát sinh; Thứ hai, độ phân hóa năng lực của thí sinh, với số lượng và cấu trúc đề như vậy sẽ phân hóa được thí sinh.

Từ thực tế bài thi đánh giá năng lực được triển khai những năm qua tại ĐHQG Hà Nội cho thấy, các cấu trúc đề theo tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội đều rất căn bản và phù hợp, hoàn toàn nằm trong lượng kiến thức phổ thông của học sinh. Có thể thấy trong tổ hợp 60 câu, mỗi môn 20 câu, trong đó có câu dễ, câu trung bình, câu khó, tính toán lựa chọn thế nào hoàn toàn do thí sinh.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên phổ thông, với một đề như vậy sẽ giúp đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh. Sức học, năng lực hiểu biết thế nào các em mới làm được bài làm với điểm số tương đương với năng lực học tập của cá nhân mỗi em vì lượng câu hỏi đã được tính toán số lượng bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu trung bình, bao nhiêu câu khó để đảm bảo được sự phân hóa trong bài thi.

Trả lời về việc ĐHQG Hà Nội sẽ phối hợp cùng Bộ GD&ĐT nghiên cứu chuẩn bị ngân hàng đề thi trắc nghiệm triển khai tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết: Sau mỗi kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội đều có nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện ngân hàng đề thi cho năm sau.

ĐHQG Hà Nội cũng đang triển khai nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT giao thiết kế ngân hàng câu hỏi theo định hướng chuẩn hóa, có nghĩa là đã đem ra thử nghiệm. Trong đó, những câu được coi là câu dễ, những câu được coi là câu khó, câu trung bình căn cứ vào thực tế bài làm của thí sinh làm được đến đâu. Đó là phương pháp thiết kế công cụ đo rất tiên tiến trên thế giới, khi đưa ra sử dụng trong thực tế học sinh sẽ thích ứng rất tốt.

Nếu đề thi được triển khai trong năm 2017 này, chúng tôi đảm bảo đề thi sẽ đáp ứng được đúng các yêu cầu đề ra: Phân hóa lớn trong đó vẫn đảm bảo được tỉ lệ các câu mà học sinh có thể tốt nghiệp được và phân hóa để các trường xét tuyển với chất lượng cao hơn, với các trường tuyển sinh đại học cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn thí sinh.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Đề thi minh họa trắc nghiệm theo hướng đánh giá năng lực sẽ công bố trong tháng 10. Hiện nay, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đang phối hợp với ĐHQG Hà Nội chuẩn bị đề để công bố sớm cho thí sinh. Đây là phương án thi và tuyển sinh năm 2017, để phương án có thể áp dụng được thì phải ban hành quy chế thi. Sau khi đưa ra phương án, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành điều chỉnh quy chế 2016 và ban hành theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đưa lên mạng 45 ngày lấy ý kiến, sau đó chỉnh sửa và ban hành. Bình thường trước Tết âm lịch hàng năm sẽ ban hành quy chế thi và tuyển sinh. Còn các vấn đề cơ bản vẫn nằm trong phương án này.

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quyet-tam-tao-su-chuyen-bien-tu-viec-ra-de-va-cach-thuc-thi-2341904-b.html