Nếu như ở hệ thống trường công lập, cấp tiểu học, phụ huynh không phải đóng học phí; ở cấp phổ thông, phụ huynh chỉ đóng góp một phần rất nhỏ thì đối với hệ thống trường ngoài công lập, học phí là sự tự nguyện trao đổi, thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh.
Tuy nhiên, khi mức học phí mà nhà trường đưa ra một cách bất ngờ, không có lộ trình, không theo tỷ lệ thuận so với mức thu nhập của người dân hoặc theo sự trượt giá của đồng tiền thì những bất đồng có thể xảy ra. Hậu quả học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất nếu như phải chuyển trường, thay đổi cách thức học tập giữa môi trường công - tư...
Chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng của trường ngoài công lập
Là lãnh đạo một trường ngoài công lập, ông Nguyễn Thế Khang, Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie (Hà Nội) cho biết, các hoạt động giảng dạy, ăn ở, đi lại phục vụ cho việc học tập của học sinh đều được nhà trường thông báo công khai, minh bạch theo lộ trình với phụ huynh.
Đối với học sinh đầu cấp, nếu có thay đổi về mức học phí và các dịch vụ phục vụ học sinh, nhà trường sẽ thông báo trước để phụ huynh cân nhắc khi chọn lựa trường cho con. Còn với những học sinh đã và đang học ở trường, nếu có tăng học phí thì nhà trường sẽ tổ chức buổi thảo luận với phụ huynh. Nếu trường nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh thì mới thay đổi mức học phí.
Ngoài ra, khi đồng tiền trong xã hội có sự biến động như xuất hiện sự trượt giá mạnh thì nhà trường sẽ căn cứ vào hệ số trượt giá đồng tiền mà cơ quan quản lý Nhà nước công bố để tăng học phí. Nếu sự trượt giá đồng tiền chỉ ở mức không quá mạnh cũng như hoạt động giáo dục không có thay đổi gì nhiều thì nhà trường sẽ không tăng học phí.
Không chỉ quan tâm đến việc tăng học phí mà người dân hiện đang chú ý đến việc đánh giá chất lượng chương trình giáo dục so với mức học phí mà nhà trường thông báo. Bởi họ muốn biết chất lượng thực sự của trường có con đang học có xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà họ bỏ ra hay không.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Khang cho rằng rất khó thực hiện vì từng trường không thể khẳng định là đào tạo ra bao nhiêu học sinh giỏi, khá. Mặt khác, hiện nay, ngành giáo dục chưa có thang đo, bộ tiêu chuẩn nào hay tổ chức độc lập đánh giá chất lượng giáo dục của các trường phổ thông một cách khách quan, minh bạch.
Chính vì vậy, chất lượng giáo dục của các trường được hình thành từ những uy tín đào tạo tích lũy trong nhiều năm được xã hội, người dân đánh giá, thừa nhận.
Khó quy định mức trần học phí với trường ngoài công lập
Không phải trường ngoài công lập nào cũng nhận được sự ủng hộ lộ trình tăng học phí của người dân như trường THCS Marie Curie. Đặc biệt nhất là thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đã lên tiếng bày tỏ về mức tăng học phí của một số trường học.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Áng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm, theo các quy định hiện hành, việc quyết định mức học phí ở các trường ngoài công lập là thẩm quyền của các trường. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào việc này. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các trường phải công khai, minh bạch cho phụ huynh và người học biết trước khóa học về mức học phí và theo lộ trình tăng hàng năm.
Hiện nay, một số trường học đều quảng cáo, việc tăng học phí là để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, huy động giáo viên giỏi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại thắc mắc về việc rất khó kiểm soát chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập như họ quảng cáo có phù hợp với mức học phí đưa ra.
Trước thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Áng cho rằng, chất lượng giáo dục nói chung của các trường, trong đó có các trường ngoài công lập khó định lượng, nên rất khó quản lý.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý chất lượng giáo dục trên cơ sở quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng như: cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo; số học sinh/giáo viên; chất lượng giáo viên; chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học... Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và có thể kiểm soát được.
Còn việc đánh giá học phí của trường học đưa ra có đúng với những gì họ cam kết về chất lượng giáo dục hay không thì chỉ thị trường mới có thể đánh giá. Dựa vào đánh giá của thị trường, phụ huynh có thể quyết định có nên gửi con học ở một trường ngoài công lập nào đó.
Theo Luật Giáo dục, các cơ quan quản lý Nhà nước không có thẩm quyền quản lý việc thu chi của các trường ngoài công lập. Các trường này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngành Giáo dục địa phương chỉ được giám sát về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, còn về tài chính không thể can thiệp, điều chỉnh. Chỉ các cơ quan về thuế mới được giám sát vấn đề tài chính của trường.
Một số ý kiến đưa ra quan điểm, khi điều chỉnh, sửa đổi Luật Giáo dục cần bổ sung quy định về mức trần học phí cho các trường ngoài công lập cũng như để cho các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương được giám sát việc thu chi học phí của các trường tư đóng trên địa bàn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Áng cho rằng, nếu Nhà nước quy định mức trần học phí cho các trường ngoài công lập là đi ngược với quy luật thị trường và sẽ triệt tiêu động lực của chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta./.
Theo VOV