Tuyển sinh 2017: Thêm nguyện vọng, có đủ chống ảo?

Về lý thuyết, năm 2016, Bộ cho thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng vào hai trường, tương đương với tỷ lệ ảo là 50%. Thế nhưng trong phương án tuyển sinh năm 2017, nhiều khả năng thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng hơn tức là tỷ lệ ảo sẽ còn tăng hơn nữa, việc này liệu có quá “mạo hiểm”?

Theo Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa mới công bố. Nhiều khả năng trong năm tới, các thí sinh sẽ được tăng số nguyện vọng ĐKXT, chứ không giới hạn là 2 trường trong đợt đầu như năm 2016 nữa.

Tuyển sinh 2017: Thêm nguyện vọng, có đủ chống ảo?Năm 2016, tỷ lệ ảo trong ĐKXT quá lớn, nếu năm 2017 số nguyện vọng ĐKXT cao hơn, tỷ lệ ảo sẽ càng cao, đây liệu có phải sự “mạo hiểm”?     Ảnh: P.T

Theo đó, Bộ có dự thảo về các phương thức tuyển sinh như: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia. Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.  Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã ĐKXT.

Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo.

Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.

Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường. Trường cập nhật danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung. Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

Ngoài ra các trường có thể xét tuyển bằng hình thức xét học bạ, sơ tuyển, các phương thức kết hợp tùy điều kiện.

Tuy nhiên, phương án cho thí sinh thêm nhiều nguyện vọng lập tức vấp phải thắc mắc rằng, như vậy, tỷ lệ ảo sẽ còn cao hơn năm 2016. Khi trao đổi với báo chí về hướng cải tiến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ vào năm 2017, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh sẽ được đăng ký nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó, lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh”.

Trên thực tế, trước khi diễn ra kỳ thi năm 2016, Bộ cũng nói sẽ hỗ trợ phần mềm lọc ảo cho các trường, tuy nhiên, nhìn vào đợt xét tuyển bổ sung mới thấy, việc chống ảo chưa hiệu quả. Năm 2016, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã hình thành hai nhóm (Nhóm tuyển sinh chung, gọi tắt là nhóm GX do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, và nhóm của ĐH Đà Nẵng chủ trì).  Các nhóm này đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bước vào kỳ tuyển sinh nhưng kết quả vẫn khiến hàng loạt trường, kể cả trường nhóm, phải xét tuyển bổ sung vì số lượng thí sinh ảo quá lớn. Như vậy, phầm mềm lọc ảo của Bộ đã thực sự hiệu quả vẫn là một câu hỏi.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ dự kiến dùng phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường trong tuyển sinh. Phần mềm này được chuẩn bị từ năm 2014 song các trường còn ngần ngại nên chưa áp dụng. Và muốn lọc ảo tốt nhất, các trường nên dùng chung một phần mềm lọc ảo, như vậy hiệu quả cũng như tính chính xác cao hơn.

TS Sái Công Hồng, GĐ Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tỷ lệ ảo là tất yếu trong các kỳ tuyển sinh. Nhiều ĐH Mỹ gọi đến 300% nhưng chỉ đạt được 60% chỉ tiêu. Phương án lọc ảo duy nhất là tuyển sinh theo phần mềm chung, sẽ đụng chạm đến quyền tự chủ của các trường, nhưng không còn cách nào khác.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định tăng nguyện vọng cho thí sinh sẽ tạo ra cạnh tranh giữa các trường. Lãnh đạo trường buộc thay đổi tư duy, không thể ngồi "chờ sung rụng" như trước đây mà phải "chăm sóc" thí sinh như khách hàng, tìm cách thu hút, tiếp cận và nâng chất lượng đào tạo để sinh viên dễ có việc làm sau khi ra trường, bởi đó là mối quan tâm lớn nhất của các em và gia đình hiện nay. Ví dụ như trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, năm nay đã tuyển đủ nguồn ngay chỉ trong đợt 1, đấy là nhờ dự báo xu hướng tốt, dựa vào chỉ tiêu cũng như có tính toán cụ thể, dự báo xem những nhóm trường nào cùng ngành, nghề để có phương thức đưa chỉ tiêu và xét tuyển phù hợp nhất.

Tuy nhiên, hiệu quả của chống ảo, lọc ảo nếu nói ở thời điểm này vẫn còn quá sớm, vì vậy, phương án chống ảo mà Bộ đã tính trước giải pháp có lẽ phải được bàn kỹ hơn.

 

Theo PLXH, nguồn: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/phuong-an-tuyen-sinh-nam-2017-them-nguyen-vong-co-du-chong-ao-117779