Những điều chỉnh hợp lý
Theo TS Giang Thị Kim Liên, Phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng, ngoài việc điều chỉnh "giảm" về thời gian xét tuyển và số ngành đăng ký trong một trường, đặc biệt có những điều chỉnh "tăng" quan trọng: tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ; tăng điểm công bố kết quả (thông qua các sở GD-ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển; tăng sự lựa chọn xét tuyển theo định hướng nghề nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD-ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.
Trong khi đó, GS.TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, quy định mới năm nay không cho thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển buộc thí sinh phải cân nhắc nghiêm túc cho việc lựa chọn ngành học, thay cho tâm lý "chỉ cần đỗ vào một ngành bất kì" như trước. Phương án mới của Bộ GD-ĐT đã khắc phục được một số bất cập của kỳ tuyển sinh trước.
Có thể thấy, các điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2016 đều hợp lý và có sự cân nhắc, rút kinh nghiệm rất kỹ về kỳ thi, xét tuyển 2015 theo hướng có lợi cho thí sinh, và được đông đảo phụ huynh, học sinh đồng tình.
Hy vọng kỳ thi THPT Quốc gia 2016 diễn ra công bằng, thực chất, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: P. Thủy
Vẫn còn những lo ngại
Tuy có nhiều điều chỉnh hợp lý và được đánh giá cao nhưng phương án thi THPT Quốc gia 2016 vẫn còn nhiều nỗi lo. Cụ thể, đó là nỗi lo về số lượng thí sinh ảo sẽ tăng do mỗi thí sinh được nộp hồ sơ 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Lo lắng này được đại diện các trường ĐH, CĐ cho biết là chấp nhận ảo, chấp nhận vất vả vì quyền lợi thí sinh.
Sự hi sinh công sức của các trường là điều đáng trân trọng, tuy nhiên nếu không khéo trong xử lý kỹ thuật thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, các trường sẽ phải liên kết với nhau để sử dụng chung hệ thống dữ liệu xét tuyển thì mới tránh được số lượng "ảo" nếu thí sinh đăng ký vượt quá số nguyện vọng cho phép. "Vấn đề là trường nào sẽ đứng ra chủ trì kêu gọi các trường liên kết, hay Bộ GD-ĐT lại chủ trì? Đây là vấn đề phải suy nghĩ để đưa ra giải pháp kỹ thuật phù hợp. Nếu các trường độc lập thực hiện việc thu nhận hồ sơ xét tuyển thì tình trạng "ảo" là không tránh khỏi", một chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng băn khoăn.
Bên cạnh đó là nỗi lo không công bằng giữa các cụm thi. Ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì thì yên tâm về chất lượng, nhưng tại các địa phương không có trường ĐH mà do địa phương tổ chức thì con người và kinh nghiệm vừa thiếu vừa yếu nên nhiều người lo lắng ở đây thí sinh sẽ có điểm số "đẹp như mơ". Điều này tạo sự không công bằng cho các thí sinh, và các trường ĐH cũng không thể yên tâm tuyển thí sinh điểm cao từ cụm thi không do các trường ĐH tổ chức!
Thêm vào đó là nỗi lo tỷ lệ tốt nghiệp không phản ánh đúng thực chất xuất phát từ quy định điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình học tập lớp 12 cộng với điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp. Nhiều người lo ngại các trường phổ thông sẽ chỉ đạo giáo viên nâng điểm cho học sinh lớp 12. Bởi ở năm 2015 với quy định này nhiều trường đã có tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao một cách bất thường. Một giáo viên ở Hà Tĩnh (đề nghị không nêu tên) cho biết, năm 2015, một trường phổ thông ở địa phương đạt thành tích cao với 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và bí quyết được nhiều người rỉ tai đó là... nâng điểm cho học sinh. Sau kỳ thi năm 2015, báo chí cũng đề cập đến lo lắng này khi chỉ ra trường hợp một thí sinh có điểm trung bình lớp 12 đạt 8.2 nhưng vẫn rớt tốt nghiệp vì điểm trung bình 4 môn thi chỉ 1,75 điểm! Nhiều người đã đề nghị Bộ GD-ĐT công bố số liệu ở các tỉnh thành có bao nhiêu phần trăm đỗ nhờ điểm trung bình 12 cao, bao nhiêu phần trăm đỗ nhờ điểm thi để có cơ sở đánh giá chất lượng, nhưng không thấy phản hồi khiến nỗi lo về việc nâng điểm ngày càng lớn!
Hy vọng rằng khi đưa ra quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Bộ GD - ĐT sẽ có những quy định cụ thể hơn, hợp lý hơn để giải tỏa những lo ngại và mang lại kỳ thi công bằng, thực chất, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Theo CADN, nguồn: http://cadn.com.vn/news/138_145403_phuong-a-n-thi-thpt-quo-c-gia-nam-2016-nhie-u-ho-p.aspx