Võ Tường Anh, nữ sinh giành học bổng từ 12 trường ĐH hàng đầu thế giới
Võ Tường An, nữ sinh Việt 17 tuổi xuất sắc chinh phục 12 trường đại học uy tín nhất thế giới ở mùa tuyển sinh 2016 (trong đó có 4 cái tên “đình đám” là Đại học Harvard, Yale, Cornell, Dartmouth, ĐH Stanford) nghĩ rằng, việc thi đại học và tốt nghiệp cấp THPT có hai mục tiêu khá khác nhau và như thế, thật khó để điều chỉnh hai tiêu chuẩn trong cùng một cách thức tuyển chọn (trắc nghiệm) cho phù hợp.
Tường An lập luận: “Với bằng tốt nghiệp THPT có nghĩa là kiến thức và kĩ năng của một học sinh này đã đạt được một mức cơ bản nhất định, phù hợp với mục tiêu của hệ thống giáo dục đặt ra cho chương trình THPT. Còn việc thi và xét tuyển vào đại học sẽ xác định và dự đoán khả năng của học sinh để có thể hoàn thành tốt chương trình của trường đại học và từ đó, chọn ra những học sinh có khả năng thành công ở trường đại học cao nhất.
Việc quan trọng là phải xem xét thử đề thi đại học hiện tại và cách thức tốt nghiệp (ở đây được gộp lại trong một kì thi) có đáp ứng được những nhu cầu cho hai việc trên đề ra hay không.
Về cách thức thi trắc nghiệm, nếu mục đích của thi đại học là kiểm tra kiến thức và kĩ năng của học sinh để có thể học tốt ở bậc đại học, mình nghĩ giới hạn ở thi trắc nghiệm hoàn toàn (trừ môn Ngữ văn) sẽ hạn chế mục đích kiểm tra ở nhiều phương diện và nội dung thi nhiều khi khá căn bản, khó có thể kiểm tra được nhu cầu mà trường đại học và giảng viên đặt ra cho học sinh đầu vào, để đảm bảo phù hợp với chương trình học và chất lượng đầu ra”.
“Ngay cả ở những môn như Lịch sử, Địa lý và những môn tự nhiên, phương án trắc nghiệm có thể kiểm tra được một số kiến thức cơ bản, nhưng không thể chắc chắn được khả năng phân tích, đánh giá, lập luận thuyết phục và kĩ năng viết của học sinh trong khi nhưng điều này cũng không kém quan trọng cho một sinh viên đại học”, Tường An nhấn mạnh.
Nguyễn Võ Minh Trâm, tốt nghiệp trung học Mỹ với điểm GPA tuyệt đối
Du học Mỹ từ năm lớp 10, cô gái Việt Nguyễn Võ Minh Trâm tốt nghiệp chương trình Nebraska High School đạt thành tích học tập đáng nể (điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0, ACT 35/36, SAT 2310/2400… cùng nhiều giải thưởng tài năng từ trường Pius X và tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ). Mùa tuyển sinh vừa qua, Minh Trâm nhận học bổng Oldham toàn phần từ University of Richmond và 5 trường đại học khác ở Mỹ.
Theo Minh Trâm, hình thức thi trắc nghiệm theo phương án Bộ GD&ĐT vừa công bố khá giống với kỳ thi chuẩn hoá SAT/ ACT của Mỹ. Trên lý thuyết, nữ du học sinh Mỹ ủng hộ phương pháp thi của SAT/ ACT vì nó có khả năng phân loại học sinh khá hiệu quả.
Tuy nhiên, Minh Trâm cũng cho rằng, SAT chỉ tập trung lên kỹ năng suy luận và kiến thức tổng quát. Để thật sự khảo sát độ hiểu biết của học sinh về từng môn học, thì Mỹ có các kỳ thi khác như thi học kỳ, thi AP để lấy chứng chỉ cho đại học. Các kỳ thi này không “chung chung” như ACT/SAT, mà đi sâu vào kiến thức cụ thể, và có cả hai phần trắc nghiệm và tự luận.
“Mặc dù em hiểu mục đích của phương án thi tổ hợp và trắc nghiệm, là muốn học sinh phát triển kiến thức toàn diện, em nghĩ việc phối hợp cả trắc nghiệm và tự luận vẫn tốt hơn. Kỹ năng lập luận sao cho chặt chẽ và thuyết phục, phân tích các thí nghiệm, biểu đồ, hoặc trình bày các câu trả lời khoa học một cách rõ ràng, dễ hiểu và chuẩn xác, theo em cũng quan trọng không kém”, nữ du học sinh này nói.
Minh Trâm đối sánh thêm: “Hơn nữa, chương trình học ở Mỹ khác Việt Nam. Hình thức trắc nghiệm toán phù hợp với Mỹ hơn vì toán ở bên đây không nâng cao và đi sâu vào lý thuyết, chứng minh định lý, mệnh đề như Việt Nam, mà chú trọng áp dụng công thức vào những vấn đề đơn giản, thực tiễn hơn. Việc thay đổi đột ngột hình thức thi sang trắc nghiệm, trong khi vẫn chưa có những đổi mới đáng kể trong chương trình sách giáo khoa và cách giảng dạy để theo kịp, là khá gấp rút”.
Nguyễn Ngọc Minh, tân sinh viên đại học Stanford danh tiếng
Học THPT ở Mỹ tại trường Berkshire School, chàng trai Nguyễn Ngọc Minh đạt điểm trung bình học tập GPA dao động từ 4.0-4.1 và luôn lọt top 4 học sinh có điểm số cao nhất khối. Minh đạt SAT 1 2250 điểm; SAT 2 với điểm tuyệt đối 800 ở 2 môn Toán (Toán 1 và Toán 2), 770 điểm môn Lịch sử Mỹ, 770 điểm ở môn Hóa học và 104/ 120 điểm TOEFL iBT (thi năm lớp 10).
Nam sinh vừa xuất sắc đỗ ĐH Stanford danh tiếng cũng đồng tình, mặc dù thi trắc nghiệm có nhiều lợi ích nhưng vẫn nên có phần tự luận với mức độ phân loại cao để tìm ra ứng viên vào đại học.
“Em đã học ở Mỹ được 3 năm và cũng được trải nghiệm với các loại hình thi chuẩn hoá tiên tiến ở Mỹ. Nên em cho rằng việc chuyển thành trắc nghiệm có những lợi ích như là nhanh, chính xác, gọn, nhẹ.
Tuy nhiên, nếu đã tiên tiến thì phải tiên tiến tới cùng chứ không thể nửa vời. Tức là như bài thi SAT, thí sinh sau khi thi xong đều được nhận điểm. Và còn được lựa chọn để gửi bài làm trên giấy của mình về để đối chiếu kết quả. Em nghĩ, nếu đổi thành trắc nghiệm nên làm luôn lựa chọn cho học sinh tự đối chiếu kết quả sau khi có điểm. Thứ nhất là coi luôn đó là một cách để tăng tính chính xác. Học sinh tự kiểm tra và nếu có sai sót thì phản ánh dễ hơn (vì máy chấm vẫn có thể có sai sót)”, Ngọc Minh chia sẻ.
Đánh giá về phương án thi 2017 với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân), nam sinh đại học Stanford quan điểm: “Bài thi tổng hợp, có thể kiểm tra kiến thức cơ bản đầy đủ các môn của học sinh, nhưng nếu muốn thi đỗ vào một ban nào đó chuyên về Vật lý chẳng hạn, thì nên có đề nâng cao tự luận phù hợp với môn đó. Còn đề tổng hợp không nên khó quá, thách thức tất cả học sinh phải am hiểu quá nhiều về tất cả các môn”.
Ngọc Minh so sánh: “Như bài tổng hợp trong đề ACT của Mỹ vốn không kiểm tra kiến thức quá sâu xa. Đơn giản chỉ là xem học sinh có thể suy luận logic, kết nối dữ liệu, tính toán (không dùng máy tính) không. Còn nếu muốn vào chuyên sâu thì thí sinh nên thi riêng cho mình thêm đề mà thí sinh tự nguyện muốn thi vào đó. Đề tổng hợp nên chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản có ích mà học sinh mỗi người nên biết, làm như thế thì sẽ tăng được phần nào tính phân loại.
Với các bài tự luận xã hội thì em nghĩ cũng nên làm tương tự. Nếu thí sinh muốn thi chuyên một ngành thì nên có thêm bài kiểm tra. Hoặc, bài trắc nghiệm tổng hợp đó phải phức tạp hơn, tức là khả năng phân loại phải cao hơn”.
Ngọc Minh đề xuất, nếu không tách thành 2 bài thi cho 2 kì thi (thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ) thì có thể gộp luôn phần tự chọn thi ban (nâng cao, phân loại) vào bài thi trắc nghiệm đó. Nam du học sinh này cũng cho rằng: “Giáo viên nên cho học sinh làm quen dần với hướng trắc nghiệm nhiều hơn. Tức là vẫn có tự luận nhưng dần dần cho nhiều trắc nghiệm hơn. Bộ GD&ĐT cũng phải cho giáo viên “đường đi nước bước trước” để giáo viên biết phương hướng và điều chỉnh cho học sinh chuẩn bị”.
Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-hoc-sinh-viet-tai-my-thi-trac-nghiem-lam-sao-danh-gia-kha-nang-lap-luan-20160916072425285.htm