Các trường đại học bối rối chờ quy chế thi và đề thi minh họa.
Có giảm áp lực thi cử?
Theo PGS. TS Trần Thị Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, những năm trước đề thi tự luận truyền ra ngoài thì có nhóm người giải đề thi và truyền vào phòng, trường thi đầy phao... Việc chấm điểm các bài thi tự luận đôi khi cũng phụ thuộc vào tâm trạng của giáo viên. Chấm bài thi bằng máy phần nào sẽ công bằng hơn. Việc thi tự luận hay trắc nghiệm không tác động nhiều đến việc học, thầy cô giáo cứ dạy đúng chương trình thì học sinh sẽ học tốt. Mối lo về việc có đủ khả năng chuẩn bị ngân hàng câu hỏi tốt hay không thuộc về các nhà quản lý giáo dục.
Nếu dùng hình thức thi trắc nghiệm thì Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị đủ các câu hỏi đưa vào trong ngân hàng đề thi. Ở thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo là hợp lý, đủ thời gian cho học sinh, thầy cô chuẩn bị. Việc tuyển sinh là của các trường, Bộ nên có chế tài buộc trường công bố phương án tuyển sinh sớm để thí sinh chủ động hơn trong việc xét tuyển. Còn việc tuyển sinh, chúng tôi cũng ủng hộ việc Bộ GD-ĐT đưa kỳ thi về địa phương quản lý, tránh sự mệt mỏi cho thí sinh khi phải di chuyển lên thành phố, bà Nga bày tỏ.
GS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và là điều kiện để thí sinh dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Những năm vừa qua Nhà nước ta đã thực hiện rất tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Tổ chức kỳ thi theo cụm thi năm 2016 với kinh phí hoàn toàn của Chính phủ là khá tốn kém. Nếu bỏ kỳ thi này thì Chính phủ, địa phương, các trường đại học và phụ huynh học sinh sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi bài thi tổ hợp tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi tổ hợp xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) liệu có đánh giá đủ, đúng năng lực của học sinh để các trường làm căn cứ xét tuyển? Làm sao học sinh có thể làm quen kiểu ra đề tích hợp, khi ngân hàng đề thi chưa được phân tích rõ…
Khó… tuyển sinh?
Với cách thức thi này (tổ hợp môn thi), ông Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, sẽ gây khó khăn đối với việc xét tuyển ĐH 2017. Bởi nếu các trường sử dụng khối thi cũ để xét tuyển, một hợp phần môn trong bài thi tổ hợp với 20 câu trắc nghiệm khó có thể đủ để đánh giá đúng kiến thức của môn học đó. Vì vậy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn quyết sử dụng phương án này thì nhiều trường ĐH sẽ phải tính đến phương án tuyển sinh riêng hoặc thi riêng” - vị Phó hiệu trưởng bày tỏ.
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM) lo lắng vì học sinh có quá ít thời gian để làm quen với cách học này. Bài thi tổ hợp sẽ chấm điểm như thế nào, chấm chung hay riêng lẻ từng môn hiện chưa được làm rõ. Cách thi này sẽ kéo theo các trường đại học xét tuyển phải thay đổi tổ hợp trong khi Bộ GD-ĐT lại quy định các trường muốn thay đổi tổ hợp xét tuyển phải công bố ít nhất là 3 năm, như vậy liệu có hợp lý?
Về lượng câu hỏi trong bài thi tổ hợp, TS Mai cho rằng mỗi bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có 60 câu hỏi là quá ít và khó có thể đánh giá hết kiến thức, năng lực của học sinh. “Nếu Bộ GD-ĐT chứng minh được bài thi tổ hợp có đầy đủ cơ sở để đánh giá năng lực của học sinh thì các trường đại học không nên tổ chức thêm một bài thi đánh giá năng lực nữa” - TS Mai nói.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đặt nhiều câu hỏi xoay quanh bài thi tổng hợp, như thí sinh có cần làm hết các môn hay không, thí sinh chỉ làm 2 phần Lý và Hóa mà bỏ Sinh thì có bị điểm liệt không, nếu có liệt thì liệt bài thi hay môn thi?
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH GTVT TPHCM cũng ví dụ: “Xưa nay các trường đại học xét tuyển theo khối thi truyền thống gồm khối A là Toán, Lý, Hóa; khối B là Toán, Hóa, Sinh; C là Văn, Sử, Địa và D là Toán, Văn, Anh… Bây giờ tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì các trường xét kiểu gì? Theo tổ hợp truyền thống hay theo bài thi. Nếu theo tổ hợp truyền thống thì thí sinh có thể sẽ chỉ làm phần nào có liên quan mà bỏ các phần còn lại, Bộ phải nói rõ!”.
Trước đó, lãnh đạo Bộ cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, phải sớm công bố phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; Tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/nhóm ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); Các điều kiện xét tuyển khác...
Ngoài ra, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh, phương án tuyển sinh năm 2017 sẽ cho phép được đăng ký nhiều hơn nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Để khống chế tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo.
Theo PGS. TS. Phan Huy Phú - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, phần mềm lọc ảo mà Bộ GD-ĐT nhắc đến chính là dựa vào thuật toán trì hoãn. ĐH Thăng Long và các nhóm trường trong thời gian qua đã tổ chức thí điểm phần mềm này. Tuy nhiên, phần mềm lọc ảo chỉ có hiệu quả khi tất cả các trường đều lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Nếu trường không lấy kết quả này mà thi riêng thì phần mềm sẽ không phù hợp nữa, ông Phú cho biết.
Hiện các trường ĐH, trường phổ thông cũng như học sinh đều đang hồi hộp chờ Đề thi minh họa và Quy chế thi 2017. Bộ dự kiến cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ có đề thi minh họa.
Theo Báo Pháp luật, nguồn: http://baophapluat.vn/giao-duc/phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2017-khien-cac-dh-ban-khoan-294992.html