Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 36 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo thời điểm tháng 12/2016 là 3.595 người (nghiên cứu sinh là 1.131 và học viên cao học là 2.464).

Theo báo cáo của học viên gửi Bộ GD&ĐT đầu năm 2015, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường gồm 21 giáo sư (GS), 152 phó giáo sư (PGS), 3 tiến sĩ khoa học và 160 tiến sĩ.

Học viện tự xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 350 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.600 chỉ tiêu.

Năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội tự kê khai có 19 GS, 197 PGS, 196 tiến sĩ (khối ngành I: 2 GS, 14 PGS, 1 tiến sĩ; khối ngành III: 12 GS, 148 PGS, 127 tiến sĩ; khối ngành VII: 5 GS, 35 PGS, 67 tiến sĩ).

Học viện tuyển 400 chỉ tiêu trình độ tiến sĩ, 1.600 chỉ tiêu trình độ thạc sĩ.

Năm 2017, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của học viện để xác định chỉ tiêu gồm: 21 GS, 184 PGS, 249 tiến sĩ (khối ngành I: 2 GS, 4 PGS, 2 tiến sĩ; khối ngành III: 14 GS, 140 PGS, 160 tiến sĩ; khối ngành VII: 5 GS, 40 PGS, 87 tiến sĩ). Học viện đăng ký chỉ tiêu trình độ tiến sĩ là 450 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.740 chỉ tiêu.

Phát hiện
Thông tin về tốc độ "sản xuất" tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội từng khiến cộng đồng mạng hoang mang.

 

Kiểm tra số chỉ tiêu tự xác định của học viện cho thấy khối ngành I: Trình độ tiến sĩ 20 chỉ tiêu (vượt năng lực 17 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ 40 chỉ tiêu; khối ngành III: Trình độ tiến sĩ là 200 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.300 chỉ tiêu (vượt năng lực 22 chỉ tiêu); khối ngành VII: Trình độ tiến sĩ là 230 chỉ tiêu (vượt năng lực 205 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ là 400 chỉ tiêu.

Ngày 30/4, học viện có Công văn số 113/HVKHXH gửi Bộ GD&ĐT đề nghị xác định lại chỉ tiêu. Theo đó, số lượng chỉ tiêu giảm xuống còn 435 chỉ tiêu tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu được học viện kê khai để xác định chỉ tiêu tuyển sinh bao gồm các cán bộ nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (gồm cả cán bộ của Học viện Khoa học Xã hội và cán bộ của các viện, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội).

Kiểm tra của đoàn Thanh tra cho thấy số lượng thực tế có chênh lệch giảm 10 PGS so với số lượng học viện đã báo cáo: Tại thời điểm tháng một có 21 GS, 174 PGS và 258 TS; trong đó có 1 GS, 12 PGS và 21 tiến sĩ chuyên ngành Luật.

Đội ngũ giảng viên của Học viện Khoa học Xã hội tại thời điểm tháng một có 7 PGS và 17 TS (khối ngành III có 3 PGS, 6 TS; khối ngành VII có 4 PGS, 11 TS).

Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận Học viện Khoa học Xã hội chưa làm rõ đặc thù của học viện trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các đơn vị thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm 2017, học viện tự xác định vượt năng lực đối với chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ khối ngành I và khối ngành VII.

Nếu chỉ tính đội ngũ giảng viên cơ hữu của học viện theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT, năm 2017, trường không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sĩ và thạc sĩ khối ngành I, năng lực tuyển sinh trình độ thạc sĩ khối ngành III là 33, khối ngành VII là 53.

Ngoài ra, từ năm 2016, học viện tự in phôi bằng. Số phôi bằng được in năm 2016 là 400 phôi bằng tiến sĩ và 1.710 phôi bằng thạc sĩ. Kiểm tra số cấp phát văn bằng cho thấy có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên số, nhiều mục chưa có đầy đủ thông tin theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 4/2016, thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ” với những đề tài nghiên cứu như "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" gây xôn xao mạng xã hội.

Dựa trên thông tin công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một người dùng mạng tính toán và đưa ra kết quả: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ.

Không chỉ bất ngờ với tốc độ “sản xuất” của “lò tiến sĩ” này, người dùng Facebook còn bàn tán về những đề tài được cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ, như: Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã, Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...

Theo zing.vn