Phần mềm lọc ảo cho tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Triển khai trên cả nước mới có tác dụng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Với việc thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường hơn sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh ảo tăng lên. Tuy nhiên, khi đó Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.
Về vấn đề này, PGS. TS Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long phân tích: Với kỳ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì phải đảm bảo một số yêu cầu như: Thứ nhất là cho thí sinh nhiều nguyện vọng, thứ hai là đảm bảo tự chủ ĐH, thứ ba là phải công bằng, không có bất hợp lý, như người điểm thấp hơn có nguyện vọng lại đỗ khi người điểm cao hơn lại không đỗ, thứ tư là không làm tốn công sức của trường, thí sinh, phụ huynh trong cả kỳ tuyển sinh.
Phương án xét tuyển năm 2017 của Bộ là ổn vì một số lí do như: Đảm bảo tự chủ tuyển sinh, thí sinh có nhiều nguyện vọng. Nhưng năm 2016 đã xảy ra sự bất hợp lý ở một số điểm. Có em điểm cao không đỗ, nên họ chấp nhận nộp nguyện vọng 2 sang trường khác, đến hết đợt 1, trường do không đủ chỉ tiêu nên hạ điểm chuẩn xuống thì thí sinh điểm thấp hơn lại thành đỗ, trường hợp này không phải hiếm. Lí do này được giải thích là do hiện tượng ảo. Một thí sinh có thể trúng nhiều nguyện vọng, đồng nghĩa với việc chiếm luôn chỗ của thí sinh có điểm thấp hơn. Ảo làm thí sinh vất vả, các trường cũng vất vả. Và nguy hiểm là bất hợp lý khi em điểm cao thì trượt, em điểm thấp lại đỗ.
Nguyên nhân ảo có thể khắc phục bằng cách thứ nhất (như năm 2015) chỉ cho đăng ký vào một trường, điều này không phù hợp với việc tăng cơ hội cho học sinh.
Năm 2017, phần mềm lọc ảo được triển khai, dựa trên thuật toán chấp nhận trì hoãn. Cách đây 3 năm trường ĐH Thăng Long đã đề xuất thuật toán này. Vì có nhiều lợi ích. Nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong kỳ tuyển sinh.
PGS.TS Phan Huy Phú nói thêm: Nếu nói Bộ không dùng phầm mềm lọc ảo của trường Thăng Long giới thiệu thì không đúng, năm 2015 Bộ đã thử chạy thuật toán này vào cho từng trường, nhưng chạy cho từng trường thì giảm hiệu quả, phải chạy cho càng nhiều trường càng tốt, mới đúng với ý nghĩa của thuật toán này.
Năm 2016, nhóm GX cũng dùng thuật toán này, chạy trong 15 phút. Dẫn đến kết quả là: Không ảo ở GX nhưng ảo ở các em vừa đăng ký GX vừa đăng ký trường ngoài GX. Năm nay Bộ muốn chạy phần mềm cho tất cả các trường thi lấy THPT làm kết quả xét tuyển ĐH – coi đó sẽ là một nhóm lớn, có thể hợp lý. Nhưng trường hợp khác, nếu trường nào không lấy kết quả thi THPT thì sẽ không phù hợp.
“Chúng tôi đề xuất phần mềm dùng cho toàn bộ. Phần mềm chấp nhận nhiều cách thức xét tuyển của các trường, không có hạn chế nào cả, tất cả đều minh bạch, công bố sớm cho sinh viên” – PGS.TS Phan Huy Phú nói.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cho rằng: “Nếu các trường chấp nhận sử dụng phần mềm do ĐH Thăng Long đề xuất thì quyền của các trường vẫn được đảm bảo, thí sinh vẫn được quyền lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất với mình. Bởi lẽ, phần mềm này chấp nhận điều kiện tuyển sinh vào các trường hoàn toàn độc lập nên thí sinh không tốn công tốn sức mà tỷ lệ thí sinh ảo của các trường được giảm xuống tới mức thấp nhất”.
Rõ ràng, Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc, bởi thực tế là năm 2016, phần mềm lọc ảo Bộ nói chưa có hiệu quả, việc có phương án mới rất cần thử nghiệm cũng như tính toán cụ thể để công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm tới bớt vất vả.
Thi tốt nghiệp THPT 2017
Theo PLXH, nguồn: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/phan-mem-loc-ao-cho-tuyen-sinh-dh-cd-nam-2017-trien-khai-tren-ca-nuoc-moi-co-tac-dung-118328