Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
TS Nguyễn Kim Quang: Phân luồng kiến thức, tập kỹ năng "dự bị" đại học!
LTS: Ý tưởng hoặc bỏ kỳ thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi đại học và thực hiện kỳ thi duy nhất còn lại như thế nào ngay lập tức nhận được ý kiến của các chuyên gia giáo dục đầu ngành và nhiều trường ĐH.
“Tôi ủng hộ phương hướng bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vì nó sẽ giảm thiểu sự nặng nề của hai kỳ thi cấp quốc gia gần nhau, nhưng trước đó cần phải cải tiến, đầu tư tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, để các trường đại học, cao đẳng chủ động trong việc xét tuyển và thi tuyển riêng”.
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Kim Quang – hiệu phó Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) với Một Thế Giới và cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới họ dựa trên quá trình học phổ thông, và đặc bệt là căn cứ một số kỳ thi lấy chứng chỉ để họ xét tuyển vào đại học. Đồng thời, do đặc thù của mỗi nước và do quy mô của từng trường đại học mà họ thiên về cách xét tuyển nào.
>> Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể bỏ trong tương lai gần
Học ưu điểm các nước
Một số nước được coi là có nền giáo dục tiên tiến, lâu đời như Mỹ thì họ không có kỳ thi tuyển sinh ĐH, đặc biệt họ tin vào các chứng chỉ đã được chuẩn hóa như SAT, ACT, đồng thời họ cũng xem xét kết quả ở quá trình học ở bậc phổ thông, hoặc kèm theo một bài luận của thí sinh, bài phỏng vấn, hoặc dựa trên sự giới thiệu của các giáo sư uy tín… Nhiều quốc gia khác cũng đang theo phương thức tuyển sinh này.
Giáo dục ĐH Việt Nam đi sau các nước tiên tiến nên cũng có thuận lợi để học hỏi những gì được coi là ưu điểm, nghiên cứu vận dụng phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình. Nếu mình bê một mô hình tuyển sinh của nước khác để áp dụng rập khuôn thì sẽ có những bất cập, hạn chế, không có được kết quả như mong muốn.
Vì vậy bây giờ nếu đặt vấn đề là để giảm thiểu sự nặng nề của hai kỳ thi cấp quốc gia gần nhau thì việc chọn giảm bớt kỳ thi nào cũng là một vấn đề rất lớn cần được nghiên cứu thấu đáo nhiều khía cạnh.
Lý do là chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, cuộc cạnh tranh vẫn còn gay gắt. Do đó dù tổ chức hai lần sàng lọc cấp quốc gia nhưng các nhà giáo dục vẫn cho rằng vẫn chưa đạt được theo yêu cầu tuyển chọn.
Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông chủ yếu để công nhận tốt nghiệp nhưng tỉ lệ đạt quá cao mà hầu như chưa được sử dụng để phân loại thí sinh trong tuyển sinh đại học. Cách tuyển sinh ĐH với 3 môn thi, nhiều thí sinh có kết quả học tập khá giỏi, đạt điểm cao trong kỳ tốt nghiệp phổ thông nhưng không trúng tuyển ĐH và ngược lại!
Giữa hai lần sàng lọc đó, ông chọn bỏ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh vào đại học?
Theo quan điểm của tôi thì nên nghiên cứu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH cấp Quốc gia, tập trung cải tiến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Các trường ĐH, CĐ công bố các tiêu chuẩn tuyển sinh và các tiêu chí xét tuyển để thí sinh định hướng học tập và lựa chọn lựa trường, ngành học.
Nhưng hiện nay xã hội thường phê phán là việc đánh giá kết quả học phổ thông cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua chưa có độ tin cậy cao, chưa có chuẩn đánh giá tương đối công bằng giữa các thí sinh ở các tỉnh thành, vùng miền khác nhau.
Có không ít trường hợp thí sinh có điểm thi tốt nghiệp rất cao nhưng cùng môn đó thi ĐH lại thấp! Đó là cái hạn chế cần cải cách để đạt độ tin cậy cao cho việc tuyển sinh ĐH và liên thông với giáo dục quốc tế.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần nghiên cứu thành lập các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp để cấp các chứng chỉ kiến thức, kỹ năng được các trường công nhận trong hồ sơ xét tuyển.
Riêng những trường, ngành học đặc thù có mức độ cạnh tranh cao thì tôi nghĩ những trường đó bên cạnh việc xét kết quả học tập có thể tổ chức các kỳ thi riêng gọn nhẹ để tuyển chọn thí sinh.
Nên ủng hộ cái mới
Bỏ kỳ thi tuyển sinh vào đại học thì chúng ta cần làm gì để các trường đại học có đầu vào tốt thưa ông?
Theo tôi, trước mắt là cải cách chương trình giáo dục phổ thông để trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng cơ bản, toàn diện nhưng không quá nặng nề, chuyên sâu.
Với chương trình phổ thông hiện nay còn nhiều nội dung kiến thức lặp lại ở các cấp lớp và cũng có nhiều nhiều kiến thức kỹ năng thuộc mức độ nâng cao, chuyên sâu nhưng không thể hiện rõ định hướng nghề nghiệp.
Nếu giảm tải chương trình phổ thông thì có thể dành những năm học cấp ba để phân luồng cho thí sinh được lựa chọn nhóm môn học theo sở trường và nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để định hướng lĩnh vực ngành nghề vào đại học, cao đẳng hay đào tạo nghề.
Những năm học phân luồng kiến thức, kỹ năng “dự bị” đại học giúp cho học sinh sớm hội nhập tốt với đào tạo ở bậc ĐH.
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ngoài mục tiêu công nhận học sinh đạt yêu cầu về kiến thức phổ thông cần quan tâm mục tiêu phân loại trình độ học sinh để làm cơ sở tin cậy trong việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng hoặc đào tạo nghề.
Theo ông, việc bỏ kỳ thi tuyển sinh vào thời điểm này có thích hợp?
Dù đổi mới tuyển sinh, giảm thiểu kỳ thi cấp Quốc gia có tính cấp thiết, nhưng trong điều kiện giáo dục hiện nay, tôi nghĩ phải hành động khẩn trương nhưng có lộ trình nghiên cứu cải tiến chương trình giáo dục phổ thông, cải tiến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Đồng thời cũng cần nghiên cứu thành lập các tổ chức độc lập chuyên về đánh giá để cung cấp thêm cơ sở phân loại kiến thức, kỹ năng của thí sinh thì việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH để các trường chủ động xét tuyển mới đạt được độ chính xác, công bằng trong tuyển sinh.
Theo: Motthegioi