Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ ra nhiều vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia và đề xuất tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, về vấn đề này.
Khó gộp hai kỳ thi thành một
- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, ông đánh giá đâu là mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi "hai trong một"?
- Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua do Bộ GD&ĐT tổ chức và giám sát cẩn trọng. Việc áp dụng đề thi trắc nghiệm khách quan phù hợp kỳ thi đánh giá kiến thức THPT có số lượng thí sinh lớn, tăng cường tính khách quan trong đánh giá và tăng tốc độ chấm bài thi.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đề thi chưa đáp ứng được nhu cầu. Đề chưa có độ khó và độ phân hóa tốt nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyển chọn vào các trường đại học, nhất là những trường top trên.
- Nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ tính chất, kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một" đã "đá" nhau. Ý kiến của ông như thế nào?
- Hai kỳ thi có mục đích khác nhau, do đó rất khó gộp thành một. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xác nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông, nghĩa là đánh giá kiến thức đã học 12 năm đạt được ở mức nào.
Trong khi đó, kỳ tuyển sinh đại học để chọn thí sinh phù hợp, thậm chí tốt nhất để học ở trình độ cao hơn. Nó có tính chất khác hẳn với học phổ thông vốn chủ yếu trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức đủ rộng, có thể làm nhiều ngành nghề lao động tay chân hoặc trí óc ở nhiều trình độ khác nhau.
- Theo ông, một kỳ thi đại học đúng nghĩa cần phải đáp ứng những tiêu chí gì?
- Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (không nên gọi là kỳ thi vào đại học, cao đẳng vì không chỉ là thi, mà đúng ra là tuyển chọn) cần tuyển chọn được những thí sinh đáp ứng được yêu cầu của một ngành trong hàng trăm ngành, như tôi đề cập ở trên là cần kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp.
Một ngành A đòi hỏi sinh viên khá, thậm chí có năng khiếu về những kiến thức nào đó, có kỹ năng học đại học, cao đẳng, năng lực tư duy, thái độ, phong cách tương ứng và hoàn toàn có thể khác với ngành B, C...
Một sinh viên học ngành Toán rõ ràng phải khác với ngành Văn học. Hình dung hệ thống này giống như cái cây: THPT chỉ là gốc, là thân, nhưng vào học đại học là rất nhiều nhánh, cành...
Để tuyển chọn được ứng viên phù hợp, các trường đại học, cao đẳng cần đánh giá năng lực về nhiều mặt của thí sinh, không chỉ đánh giá một mặt là kiến thức học ở phổ thông.
Tóm lại, công tác tuyển chọn thí sinh vào đại học, cao đẳng cần đa chiều hơn, không chỉ một chiều là kiến thức. Trong không gian nhiều chiều, chúng ta chỉ đo và quan tâm một chiều, rõ ràng là chưa đủ. Đó là chưa kể, việc đo theo một chiều cũng không hẳn đơn giản, như kỳ thi vừa qua đã chứng tỏ. Đề thi cần phải có độ phân hóa phù hợp và cái khó hơn nữa là phải có độ giá trị, "đo được đúng cái muốn đo".
Ở các nước tiên tiến, người ta xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo phương châm "tổng hợp, toàn diện". Họ xem xét nhiều yếu tố, không chỉ là dựa vào kết quả của một kỳ thi nào đó, dù kỳ thi ấy cũng được tổ chức rất tốt, có độ khó và độ phân hóa tốt.
Chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT
- Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất tách kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT. Ông có ủng hộ ý kiến này?
- Tôi ủng hộ việc từng trường (thậm chí là từng ngành) đề ra những yêu cầu mà sinh viên của mình phải có, trên cơ sở đó đưa ra phương thức tuyển chọn tương ứng.
Ví dụ, vào học âm nhạc, thể thao, nghệ thuật hay kiến trúc chẳng hạn, trường cần có cách tuyển chọn riêng và nên mở rộng cách nhìn ấy với những ngành khác. Tất nhiên, nhiều ngành tương tự nhau, cách tuyển chọn cũng khá giống nhau. Cần suy tính sao cho tuyển chọn không những đủ chỉ tiêu mà quan trọng hơn là tuyển chọn càng đúng càng tốt!
- Một kỳ thi đại học độc lập sẽ có hình thức như thế nào?
- Thực ra, chính sách của Bộ GD&ĐT không cấm các trường có thêm cách thức xét tuyển riêng. Điểm thi THPT quốc gia chỉ là một trong những căn cứ giúp các trường xét tuyển. Tuy nhiên, rất ít trường mạnh dạn xét tuyển riêng.
Nếu tách kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trước hết, các trường cần nghiên cứu kỹ yêu cầu của sinh viên sẽ theo học ở trường mình, cũng như phẩm chất, năng lực của họ khi tốt nghiệp. Từ đó, trường đề ra cách xét tuyển phù hợp. Các trường sẽ chỉ lấy kết quả thi THPT quốc gia làm một trong những tham số để xét tuyển.
Trước mắt, một số trường có điều kiện về đội ngũ giảng viên và phương pháp khảo thí, có sự nghiên cứu về yêu cầu sinh viên trường mình, nên đưa ra cách tuyển chọn vào đại học, cao đẳng.
Đó có thể là một kỳ đánh giá năng lực tư duy, đọc hiểu, tính toán, viết, suy luận, tiếng Việt, ngoại ngữ... hoặc sự hiểu biết về lĩnh vực cụ thể nào đó. Có thể nhiều trường kết hợp với nhau để thực hiện chung việc tuyển sinh thông qua đánh giá chung những khía cạnh tương tự.
Các kỳ đánh giá có thể tiến hành nhiều lần trong một năm, nhằm dàn trải sự căng thẳng cho thí sinh cũng như xã hội, tránh mức độ tập trung vào một lần thi duy nhất như hiện nay.
- Như vậy, chúng ta có nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT?
- Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo tôi, trước mắt chưa phù hợp. Trong tương lai, một khi đã cải tiến dần đến chuẩn hóa công tác đánh giá học sinh phổ thông, chúng ta sẽ không còn cần thiết kỳ thi này nữa.
- Nếu tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, chúng ta nên tính toán việc cộng điểm ưu tiên ra sao để đảm bảo công bằng cho thí sinh?
- Điểm ưu tiên cần phải có, tuy nhiên phải tính toán lại cho phù hợp hơn, dựa trên tình hình thực tế luôn biến động. Một khi đã xét tuyển theo phương châm toàn diện, chưa chắc điểm ưu tiên (về khu vực và đối tượng) đã có tác dụng lớn lắm! Một số ngành đặc thù hoàn toàn có thể có điểm ưu tiên khác nữa cho riêng mình.
Theo Zing.vn