“Cơn mưa điểm 10” và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng liệu có phải là do chất lượng giáo dục tăng đột biến? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS Văn Như Cương về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?
PGS Văn Như Cương: Kỳ thi Quốc gia có nhiều thí sinh đạt điểm 10 khiến cho mọi người gọi là “cơn mưa điểm 10”. Những kỳ thi năm trước, thí sinh đạt 25 điểm trở lên là giỏi lắm rồi. Năm nay do đề thi không tính toán kỹ nên có quá nhiều em đạt điểm cao. Điều này khiến cho trường top trên khó khăn trong xét tuyển, mà bản thân các em dù điểm cao 28, 29 điểm vẫn chưa chắc đã đỗ? Học sinh năm nay không hề giỏi hơn năm ngoái mà điểm cao là do thay đổi cách thức đề thi, cách tổ chức thi...
Người ta chỉ đề cập đến tiện lợi về mặt kỹ thuật của thi trắc nghiệm nhưng lờ đi việc nó sẽ ảnh hưởng tư duy và dạy học ở bậc phổ thông như thế nào. Không phải tự nhiên mà trong chương trình tú tài quốc tế có ghi chú nên hạn chế hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm. Vì thế, không thể ảo tưởng về “cơn mưa điểm 10” và dựa vào đó để nói giáo dục đã có tiến bộ vượt bậc.
Nếu hỏi, kết quả thi vừa rồi có phản ánh phần nào chất lượng học sinh hay không? Bản thân tôi thấy là không.
PGS Văn Như Cương
PV: Có ý kiến cho rằng, “điểm đẹp”, “học bạ” của học sinh cũng “đẹp” nên có thể thấy chất lượng giáo dục đã được nâng lên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Bệnh thành tích ngành nào cũng có nhưng riêng giáo dục thì nặng quá và dường như không sửa được. Căn bệnh thành tích lâu nay không phải chỉ nằm ở trường, sở mà nằm ngay ở Bộ GD-ĐT và ngày càng trầm trọng. Bệnh thành tích gây ảo tưởng, ru ngủ chúng ta trên thành tích đó. Cách Bộ chỉ đạo còn quá nặng về thành tích, khiến xã hội tin tưởng vào thành tích đó, đến lúc phát hiện ảo thì đã quá muộn.
Chính điểm “đẹp không tì vết”, học bạ “đẹp” đã phản ánh chất lượng ảo của giáo dục hiện nay. Bởi giáo dục là cả một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai mà chất lượng có thể tăng đột biến được. Nếu lấy điểm bài thi năm nay làm thước đo chất lượng giáo dục là sai.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều điểm 10 như vậy là “bình thường”. Điều ngạc nhiên là trước khi thi ông ta lại tuyên bố rằng với cách thi mới, với ma trận đề thi được làm cẩn thận thì năm nay sẽ không có chuyện mưa điểm 10 như năm trước.
Một trong những điều làm dân mất niềm tin khi Bộ thường không dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra... Bộ cực kỳ lúng túng, dường như không có lộ trình gì cả, cứ mỗi lần bị phê phán lại vội vàng điều chỉnh khiến thầy trò trở tay không kịp.
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017
PV: Theo ông, kỳ thi này phải đổi mới ra sao để có một kết quả thực chất?
PGS Văn Như Cương: Kết quả tốt nghiệp cao ngất ngưởng càng chứng tỏ không cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc rầm rộ như hiện nay. Thế nhưng, điều tôi bất ngờ là Bộ GD-ĐT lại tuyên bố năm sau sẽ vẫn tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”.
Theo tôi, đã đến lúc Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, đề thi có thể do Bộ cung cấp. Nếu cứ tổ chức thi như hiện nay, các trường đại học top trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh. Các trường cần có quyền tự chủ trong tuyển sinh để chọn người xứng đáng và đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Trong khi tiêu chí “đầu ra” các trường khác nhau nhưng “đầu vào” thí sinh lại cùng làm đề giống nhau là bất hợp lý.
Vì thế Bộ nên để các trường tự tuyển sinh theo mục tiêu đào tạo, bảo đảm chất lượng “đầu vào”, đỡ gây mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng. Ví dụ, khối các trường sư phạm có thể thi chung đề là hợp lý... Với những trường không tổ chức thi thì có thể lấy điểm của các trường thi tuyển để xét tuyển, hoặc xét tuyển theo cách thức của riêng mình. Lúc bấy giờ Bộ GD-ĐT không phải mất quá nhiều công sức cho các kỳ thi mà lại có một kết quả thực chất.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV
>> Xem thêm: Thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 và Điểm chuẩn các trường đại học