Ban đầu, PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, cho biết sẽ chính thức báo cáo với giới ngôn ngữ học tại hội nghị khoa học vào tháng 3.2018 nhưng hôm nay 26.12, ông đồng ý công bố toàn văn nghiên cứu này. Điều đặc biệt là trong lần công bố này, những phần cải tiến phụ âm cũng được thay đổi.
“Tiếng Việt trở nên hoàn chỉnh nhất”
Trao đổi với PV, PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Sau khi Báo Thanh Niên đăng phần cải tiến phụ âm, rồi các báo khác đăng theo, tôi nhận được rất nhiều phản ứng gay gắt, thậm chí xúc phạm, thóa mạ Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều bạn đọc gửi mail, tin nhắn động viên tôi. Tôi vẫn kiên định với công trình của mình, vì những gì tôi nghiên cứu sẽ giúp cho tiếng Việt trở nên hoàn chỉnh nhất. Theo đó, mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt, không còn tình trạng nhầm lẫn khi viết, khó khi học”.
Ở công trình hoàn thiện này, những phần cải tiến phụ âm mà trước đó Thanh Niên đã đăng tin, cũng được thay đổi. Ví dụ, lúc trước, PGS-TS Bùi Hiền thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R=R; S = S, X; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. (Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt). Nhưng lần này, chỉ có 6 chữ cái được thay đổi như sau: C (chờ) = ch, tr; K (cờ) = k, c, q ; Q (thờ) = th; W(ngờ) = ng, ngh ; X (khờ) = kh; Z (dờ) = d, gi, r.
Về phần nguyên âm, để tuân thủ triệt để nguyên tắc “1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm”, PGS Hiền cho biết đương nhiên phải trả lại cho các âm ô, ơ, ê về đúng vị trí của nó và chữ a được trở về đảm nhiệm biểu đạt một âm vị /a/ của mình như các chữ cái khác trong tiếng Việt. PGS Hiền cho rằng nếu quan sát kỹ bảng nguyên âm hiện thời và phân tích tỉ mỉ, sẽ thấy có mấy hiện tượng như tất cả các nguyên âm đều tạo thành những cặp đôi dài ><ngắn, nên trong chính tả hiện nay cách viết các nguyên âm ngắn không giống nhau và không thống nhất.
“Tóm lại là trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội trên thực tế đang tồn tại có 18 nguyên âm và hợp thành 9 đôi nguyên âm đối lập “dài, mạnh > < ngắn, nhẹ” như trên và tất cả đều có thể đứng độc lập cùng với một trong 6 thanh – 6 đơn vị siêu âm đoạn tính (ngang, nặng, sắc, huyền, hỏi, ngã - a, ạ, á, à, ả, ã) và cũng có thể kết hợp với phụ âm hoặc các nguyên âm khác để tạo ra các âm tiết (tiếng đơn): a, á, ớ, y, í..., ai, ăy, ơi, uy, ui…, oao, yêu…, khu, khui, khuy, kha, khai, khăy, xong, xoong, khuya, khuyên, quai, quăy,…”, PGS Hiền phân tích.
Từ bảng chữ cải tiến của PGS-TS Bùi Hiền (chữ được hoán đổi giá trị âm vị - cách đọc của một số chữ cái, chứ không hề thay đổi tự dạng của các con chữ La tinh hiện dùng) có thể tạo ra các vần, các tiếng (âm tiết) theo đúng các quy tắc hiện hành trong bảng chữ quốc ngữ hiện hành.
Không làm cho tiếng nói khác đi
PGS-TS Bùi Hiền khẳng định: “Công trình nghiên cứu cái tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm tiếng thủ đô Hà nội, chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi. Chỉ thay đổi một số quy ước".
Ví dụ, thay vì trước đây viết “c” đọc là “cờ” thì nay viết “c” đọc là “chờ”, tương tự, nay chữ “w” được đọc là “ngờ”, chữ “x” được đọc là “khờ”, “q” đọc thành “thờ”…Chẳng hạn viết là “cính tả” thì vẫn đọc như trước là “chính tả”, "xô xan" thì đọc là "khô khan"...
Về chữ viết, PGS Hiền cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La tinh không có.
“Đây chỉ thuần tuý cải tiến cách quy định cho những ước lệ mới giữa các chữ cái với các âm vị tương ứng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc “ 1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm” nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị, vốn là nguồn gốc của các lỗi chính tả như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph)”, PGS Hiền nhận định.
"Nạn mù chữ" sẽ giải quyết trong 1-2 ngày
PGS-TS Hiền cũng cho rằng “nạn mù chữ” sẽ được giải quyết triệt để chỉ trong vòng 1-2 ngày đối với những người đã biết chữ quốc ngữ hiện hành. Với học sinh lớp 1 và ngưòi dân tộc sẽ rút ngắn được thời gian “vỡ lòng” (biết đọc, biết viết) xuống ít nhất một nửa so với học chữ cũ. Chắc chắn không cần phải phát động phong trào “diệt dốt” như xưa, mà chỉ cần hướng dẫn từ từ trên báo chí bảng chuyển đổi chữ cái, rồi tổ chức trò chơi, đố vui trong nhà trường, câu lạc bộ… cũng đủ để mọi người nhận biết và quen dần với cách đọc viết cải tiến một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Trả lời về việc nếu thay đổi thì kho tư liệu đồ sộ hay những văn bản, giấy tờ tùy thân… sẽ phải giải quyết như thế nào, PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Khi Pháp quyết định dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho của nhà Nguyễn, người ta có in lại cả đâu, mà chỉ in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng hơn. Ngay cả giấy khai sinh cho đến năm 1945 vẫn in cả 3 thứ chữ: chữ Pháp, chữ nho rồi mới đến chữ quốc ngữ. Thực tế xưa nay ở nước ta cũng như trên thế giới người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu mới, báo chí, giấy tờ, công văn mới thôi”.
PGS-TS Bùi Hiền khẳng định, công trình nghiên cứu này là đề xuất khoa học mang tính cá nhân, việc có sử dụng hay không là do Chính phủ quyết định. Và ông chỉ quan tâm tới những phản biện mang tính khoa học, những lời bình luận cảm tính ông sẽ “bỏ ngoài tai”.
Theo Thanh niên