-
Xem đáp án đề thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2016 nhanh và chính xác nhất
"Nó lớn rồi, tự đi thi được"
Cậu con trai đang trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng sinh hoạt, công việc của vợ chồng anh Trần Anh Thiện, ở Tân Bình, TPHCM không hề xáo trộn. Họ vẫn đi làm như mọi ngày và thống nhất với con, việc đi thi là của cháu. Hàng ngày con đi học bằng xe đạp điện thì giờ không có lý do gì không tự đi thi được, nhất là thi ở ngay trong thành phố chứ chẳng ở đâu xa nên không có chuyện mẹ phải xin nghỉ làm, vất vả lỉnh kỉnh theo con.
Anh Thiện nói, con tự lập từ nhỏ nên tự đi thi là bình thường, cho dù bạn bè cháu gần như ai cũng được bố mẹ đón đưa, chờ đợi. Vợ chồng anh cũng chẳng lục đục dậy từ tinh mơ, mọi việc từ hẹn giờ đi học, dậy chuẩn bị ăn sáng rồi đến việc đi thi, cháu tự xử lý nên mọi thứ rất nhẹ nhàng. Anh chỉ tiếp sức cho con bằng cuộc gọi hỏi han sau môn thi đầu tiên, còn sau đó thì kệ, cháu thi làm bài ra sao cháu sẽ tự kể, anh không “tra khảo”.
Nhiều thí sinh đi thi mà không có bố mẹ kèm cặp, đón đưa
Mùa thi nào cũng thấy cảnh phụ huynh “vây kín” cổng trường bằng cách hỏi han, dặn dò, tiễn con sát vùng cấm của trường thi đế mức bảo vệ phải nặng lời mời ra. Cảnh bố mẹ vật vã đội nắng hứng mưa suốt hàng giờ đồng hồ, suốt các buổi thi, các ngày thi để chờ con cũng đã rất quen thuộc. Vậy nhưng, cũng không ít phụ huynh chọn cách nhàn nhã, ung dung ngay trong những ngày vượt vũ môn quan trọng của con.
Thả con cách điểm thi tốt nghiệp 2016 Trường Phổ thông Nguyễn Khuyến một đoạn, bà mẹ chào tạm biệt con rồi vặn ga đi thẳng. Nữ sinh tên Mai chia sẻ em đi thi một mình, chỉ sáng nay mẹ tiện đi qua khu vực này nên chở em đến luôn. Đến trưa thì Mai tự tìm chỗ ăn uống, chiều gọi xe ôm hoặc taxi về.
“Thật ra ba cũng có ý định nghỉ làm đưa em đi thi nhưng em từ chối, đề nghị tự mình tự đi thi và bố mẹ tôn trọng quyết định này. Thấy bạn bè được bố mẹ đón đưa, quan tâm nhưng em không mủi lòng vì biết bố mẹ không phải không lo cho em mà hơn hết họ tin tưởng em tự lo liệu được. Với em đây cũng là một sự quan tâm”, Mai bày tỏ.
Nhiều học trò khác, trước khi vào phòng thi là bố mẹ vào tận cổng dặn dò đủ thứ, lục túi con xem quên gì không. Vừa ra khỏi phòng đầu óc còn chưa tỉnh, nhiều thí sinh đã "ngạt thở" khi phụ huynh đón ngay cổng hỏi tới tấp con làm được bài không, hỏi luôn bạn trong phòng ai ra sớm không. Có người còn bắt con tự chấm được bao nhiêu điểm, hỏi luôn tình hình có đỗ không.
Còn Mai, em nói do không có bố mẹ “kèm cặp” nên rất tự do, thoải mái và không thấy bị áp lực. Ra khỏi phòng là bật nhạc nghe rồi đi ăn uống linh tinh rất nhẹ nhàng đón các môn thi tiếp.
Từ Long An một mình TPHCM dự thi, thí sinh Nguyễn Trọng Hải chia sẻ, trước ngày thi, các cô chú hàng xóm rục rịch rủ ba mẹ Hải cùng đưa con đi thi THPT quốc gia 2016. Bố mẹ cậu lắc đầu, nói: “Nó lớn rồi, tự đi thi được”. Hải lên thành phố trước 3 ngày, tự liên hệ đội sinh viên tình nguyện tìm phòng trọ rồi làm quen với bác xe ôm đầu hẻm chỗ ở để đặt bác chở đi lại trong những ngày thi, tự tìm hàng quán ăn uống.
“Em sao cũng được, ba mẹ đưa đi cũng không sao. Nhưng ba mẹ lên đây sẽ phải bỏ công việc ở nhà, chỉ thêm vất vả chuyện chỗ trọ, đi lại, lên chắc bố mẹ cũng ngồi ngoài nắng đợi con thì chỉ làm em nóng lòng thêm thôi. Vậy cực cho ba mẹ quá”, Hải tâm tư.
Hải cũng nói rằng, giờ học sinh đi có sinh viên tình nguyện phủ khắp nơi để tiếp sức, có khó khăn gì sẽ được các anh chị hỗ trợ hết nên không có gì phải lo lắng. Hơn nữa, cậu thí sinh hóm hỉnh bày tỏ, thanh niên tuổi 18 ăn học 12 năm, phải làm được nhiều việc hơn chứ chuyện đi thi một mình đâu có gì phải bàn. Bạn nào cũng làm được, quan trọng bố mẹ có tin tưởng hay không thôi.
Cha mẹ đội nắng, hứng mưa đưa con đi thi đối với nhiều con trẻ là áp lực khủng khiếp
Cha mẹ vật vã đội nắng, đội mưa chờ con trong mỗi mùa thi từ lâu được xem như một hình ảnh về sự quan tâm, tần tảo vì con. Đó có thể là nỗi lòng, muốn đồng hành cùng con trong giờ khắc quan trọng nhưng cũng có thể bắt nguồn từ lý do nhiều bạn trẻ thiếu khả năng tự lập hoặc cha mẹ quá bao bọc con, không yên tâm khi con rời vong tay, tầm mắt của mình.
Sự “hy sinh”, quan tâm quá mức của bố mẹ, với nhiều học trò là áp lực, ngột ngạt. Có học trò năn nỉ tự đi thi nhưng nhất quyết bố mẹ không đồng ý, có đứa con năn nỉ bố mẹ cứ về nhà hay tìm chỗ nào mát mẻ nghỉ ngơi nhưng không, bố mẹ phải đứng đây để chờ con, để mong tin con kệ nắng, kệ mưa.
Cảnh cha mẹ chen chúc ở cổng trường thi, mặt xém nắng, nặng trĩu những giọt mồ hôi hay người ướp nhẹp vì mưa gió với con trẻ khác nào mệnh lệnh phải thi đỗ, không được phụ công bố mẹ nha con.
Năm nào cũng vậy, sau kỳ thi có những học trò nhập viện tâm thần hoặc có em tìm đến cái chết không phải vì thi trượt mà vì… đã phụ công lao của bố mẹ. Công sức, tình yêu, sự hy sinh và sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh trở thành một gánh nặng cho con trẻ khi đẩy các em vào bi kịch mâu thuẫn: trẻ yếu đuối, thiếu tự lập nhưng phải có thành tích, kết quả cao trong học tập và cuộc sống.
Như anh Trần Văn Thiện quan niệm, mỗi người có một cách thương con. Gia đình anh xác định thương con không có nghĩa bố mẹ mẹ phải hy sinh, chịu khổ chịu cực vì con rồi mong con bù đắp, đền đáp theo mong muốn của mình. Vợ chồng anh chọn cách yêu con bằng cách tôn trọng, để con tự lập và tin tưởng ở cháu.
Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/no-lon-roi-tu-di-thi-duoc-20160702070401909.htm