Học sinh lớp 1 là đối tượng cần được chỉ dạy, uốn nắn trực tiếp. Chính vì vậy việc dạy và học trực tuyến là một thử thách cho cả cô giáo và học sinh. Đặc biệt, kế hoạch học trực tuyến như thế nào là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm.
Học sinh lớp 1 học trực tuyến cần có sự hỗ trợ của phụ huynh
Ngồi học không tập trung
Cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên (GV) lớp 1 Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết việc dạy trực tuyến những buổi đầu áp dụng lịch buổi tối để phụ huynh ở nhà hỗ trợ con làm quen về mặt kỹ thuật và cách học trực tuyến. Sau đó, lịch học chính thức được áp dụng theo lịch buổi sáng. Cô Nga giải thích lịch học buổi tối tuy có lợi thế là bố mẹ ở nhà nhưng cũng có bất cập là các con thiếu tập trung nếu nhà đông người và không có phòng riêng để học thì điều này càng ảnh hưởng hơn. “Học buổi sáng là lúc các con tỉnh táo, sảng khoái và dễ tiếp thu kiến thức nhất”, cô Nga nói.
Tuy nhiên, cô Nga cũng cho rằng việc học trực tuyến với học sinh (HS) lứa tuổi tiểu học, nhất là lớp 1, chỉ là giải pháp tình thế, hiệu quả chắc chắn không thể so sánh với dạy học trực tiếp được vì đây là lứa tuổi cần uốn nắn từng chút. Theo tiến độ chương trình là tuần tới các con sẽ học viết chính tả dưới dạng nhìn chép. Nếu học trực tiếp thì GV sẽ có cơ hội quan sát kỹ các con viết bài thế nào, tư thế ngồi ra sao… để uốn nắn kịp thời; còn dạy trực tuyến thì phải quan sát từ xa, liên tục nhắc nhở, động viên để các con tập trung.
Một phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội tỏ ra khá lo lắng sau khi quan sát con học trực tuyến những buổi đầu tiên. Anh cho biết nếu như cậu con lớn học lớp 7 khá ổn thì lớp 1 lại ngược lại. Vì lứa tuổi còn non nớt, cháu chỉ ngồi một lát là không tập trung học được vì thiếu sự tương tác trực tiếp giữa cô với trò và với các bạn. Nhất là với lớp học lên tới 50 HS nên chỉ cần cô không quan sát kỹ thì sẽ có những HS bị “bỏ rơi”. “Ví dụ, cháu nhà tôi sau vài lần xin phát biểu mà cô không gọi là đã kêu chán và không tập trung học nữa”, phụ huynh này nói.
Lịch học phụ thuộc vào phụ huynh
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nhiều trường ở Hà Nội đang áp dụng lịch học buổi tối với HS khối lớp nhỏ như lớp 1, 2, 3 vì cho rằng đây là lứa tuổi cần có sự hỗ trợ, kèm cặp của gia đình.
Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm) cho biết từ ngày 17.2, việc học trực tuyến đã được tiếp nối từ trước khi nghỉ tết với thời gian từ thứ hai - sáu hằng tuần. Tuy nhiên, riêng khối lớp 1 và lớp 2, lịch học được xếp vào buổi tối trong khoảng thời gian từ 19 - 21 giờ 20. Các khối 3, 4, 5 học buổi sáng. Cũng theo trường này, riêng khối lớp 1 chỉ học 35 phút mỗi tiết và nghỉ giải lao giữa các tiết là 15 phút; các khối còn lại học 40 phút/tiết.
"Với lứa tuổi lớp 1, 2, các cháu chưa quen với việc sử dụng máy móc, công nghệ, chưa thể tập trung nếu học một mình nên có sự hỗ trợ của gia đình là phương án tối ưu" - Ông Lê Đức Thuận (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, Hà Nội)
Lãnh đạo trường này thông tin HS tham gia học trực tuyến gần như 100%. Chỉ còn số ít HS do hoàn cảnh đặc biệt chưa theo học được cùng. Đối với các HS này, GV đã chuyển bài theo tuần và hướng dẫn thêm qua điện thoại.
Trường tiểu học Trần Quốc Toản thì cho biết tất cả thời gian học của các lớp dựa trên thống nhất của đa số cha mẹ HS và GV chủ nhiệm. HS nào không tham gia học trực tuyến được theo thời gian mà đa số phụ huynh đã thống nhất thì GV sẽ gửi nội dung bài học cho HS xem lại và thực hành làm bài tập, sau đó gửi sản phẩm lại cho GV kiểm tra góp ý, phần nào chưa hiểu có thể điện thoại yêu cầu GV giúp đỡ.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội), cho biết đến thời điểm này, có 70/70 trường của quận dạy học trực tuyến, tùy theo mức độ khác nhau. Với các trường tiểu học thì hầu hết đều dạy cho HS lớp 1, 2 và 3 vào buổi tối. Theo ông Thuận, lịch học ra sao do các trường sắp xếp trên cơ sở đã tham khảo điều kiện thực tế và nhu cầu của gia đình HS chứ không phải do Phòng GD-ĐT quy định “cứng”. “Tuy nhiên, với lứa tuổi lớp 1, 2, các cháu chưa quen với việc sử dụng máy móc, công nghệ, chưa thể tập trung nếu học một mình nên có sự hỗ trợ của gia đình là phương án tối ưu”, ông Thuận nói.
Khó áp dụng thời khóa biểu của trực tiếp sang trực tuyến
Ông Thuận cũng chia sẻ việc dạy học trực tuyến ở cấp học như tiểu học thì không thể đặt ra yêu cầu đạt 100% hiệu quả như dạy trực tiếp được. Càng không thể áp nguyên thời khóa biểu của dạy học trực tiếp sang dạy trực tuyến một cách cơ học. Ví dụ, với lớp 1 đang bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày (7 tiết/ngày) nhưng không thể bắt các cháu ngồi học 7 tiết trực tuyến trong một ngày được vì chắc chắn sẽ gây căng thẳng, nhàm chán và quá tải với HS.
Do vậy, theo ông Thuận, khi duyệt kế hoạch giáo dục của từng trường, Phòng GD-ĐT chỉ duyệt những kế hoạch nào phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến; trường nào vẫn áp lịch học 7 tiết/ngày thì được yêu cầu xây dựng lại, chỉ học tối đa 4 tiết/ngày. Dựa vào các văn bản hướng dẫn của Bộ, các trường được phép xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo bám sát chuẩn đầu ra của chương trình, tinh giản những nội dung không phù hợp hoặc trùng lắp giữa các môn để giảm thời gian và áp lực học tập cho HS. Với những môn như thể dục, hoạt động giáo dục, mỹ thuật, âm nhạc thì tạm thời chưa xếp thời khóa biểu và có thể “nén chương trình” để dạy học khi các con quay lại trường hoặc học theo chuyên đề và có hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. “Điều này thực sự rất cần thiết khi dạy học trực tuyến”, ông Thuận nói.
Cô Nguyễn Quỳnh Nga cũng cho rằng với lớp 1, lịch học phải hết sức linh hoạt, không thể bắt các con học cả ngày như học ở trường, thời gian của 1 tiết học cũng ngắn hơn, kéo dài thời gian nghỉ giải lao để các con vận động cũng như cho mắt nghỉ ngơi, không nhìn vào màn hình thiết bị quá lâu.
Cần ưu tiên khung giờ tốt nhất cho lớp 1Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường cập nhật hằng ngày số lượng và tình hình HS học tập ở từng môn học; quan tâm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học tập. Với lớp 1, ông Đại nhấn mạnh là năm học đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường ưu tiên chọn khung giờ tốt nhất để dạy trực tuyến cho HS lớp 1; phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ nhiều nhất cho việc học tập ở nhà của các em; thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học. Mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng lưu ý ở những cấp học, lớp học được xem là “còn lúng túng” trong triển khai dạy trực tuyến như cấp mầm non, hay lớp 1, 2, cần có hướng dẫn cho GV, HS và phụ huynh để tham gia phối hợp thực hiện. “Dạy học trực tuyến phải được hiểu là phương thức mở rộng, hỗ trợ cho dạy học trực tiếp và tạo điều kiện để cá thể hóa hoạt động giáo dục. Vì vậy, đây không phải hoạt động nhất thời thực hiện khi có dịch bệnh mà sẽ còn trải rộng và có lộ trình triển khai, phù hợp với từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện đảm bảo chất lượng”, ông Nhạ cho hay. |
> COVID-19: Học sinh cuối cấp tận dụng mọi kênh online để học
> Học trực tuyến có gây trở ngại gì cho học sinh cuối cấp?
Theo Thanh Niên