Những thí sinh cẩn trọng
Đi xe khách từ 6h sáng ngày 3/8 từ Tây Ninh, hai anh em Tấn Tài và Nhật Linh lên tới TP.HCM lúc hơn 10 giờ. Khi tới được Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã quá 11h, bộ phận nhận hồ sơ ĐKXT đã tạm nghỉ. Cả hai phải chờ tới 1 rưỡi chiều mới nộp được.
Tấn Tài và Nhật Linh cùng học chuyên toán tại Trường THPT chuyên Trà Vinh. Có tổng điểm kể cả ưu tiên là 27,75, Nhật Linh khá an tâm về cơ hội trúng tuyển vào ngành Y đa khoa. “Gia đình em không có ai theo nghề y, nhưng em thích và quyết tâm học nghề này”.
Còn Tấn Tài cho biết đây là năm thứ hai em dự tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Năm trước em bị trượt khỏi ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trúng tuyển vào ngành này của Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Tuy nhiên, em đã quyết định bỏ không học để năm nay thi lại.
Với số điểm 26,25, em đăng ký xét tuyển 2016 nguyện vọng 1 vào Bác sĩ đa khoa, nguyện vọng 2 vào khoa Răng – Hàm – Mặt.
“Đã trượt một năm nên em khá lo lắng. Em cũng đã đăng ký thêm 2 nguyện vọng nữa ở Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nhưng em vẫn hy vọng mình trúng tuyển vào trường này”.
Tấn Tài và Nhật Linh từ Trà Vinh lên TP.HCM nộp hồ sơ
So sánh giữa hai kiểu ĐKXT của năm 2015 và năm 2016, Tấn Tài cho rằng mỗi kiểu có một ưu thế. “Làm như năm nay em thấy nhàn hơn, nhưng cũng lo hơn vì từ nay đến lúc biết kết quả em chẳng làm gì được ngoài… ngồi chờ”.
Sở dĩ ở tận Trà Vinh nhưng Tấn Tài và Nhật Linh không ĐKXT trực tuyến mà chọn lên tận trường để nộp vì “Chúng em không cảm thấy an tâm với việc ĐKXT trực tuyến”. Hai em cũng chọn cách nộp sớm để phòng trường hợp giấy tờ có thiếu sót còn có thời gian bổ sung.
Cũng ngồi chờ qua trưa tới buổi nộp hồ sơ ban chiều là Nguyễn Thị Hoa. Nhà ở ngay Quận Tân Phú, nhưng Hoa tới nộp hồ sơ vào thời điểm dở dang như vậy vì còn phải đi công chứng một số giấy tờ.
Hoa cho biết em dự kiến nộp nguyện vọng 1 vào ngành Điều dưỡng. Giữ bí mật điểm thi THPT quốc gia, nhưng như em tiết lộ là ngoài khả năng trúng tuyển ngành Điều dưỡng còn chắc chắn trúng tuyển vào một số trường có tuyển khối B khác.
Than thở về phương thức nộp hồ sơ ĐKXT kiểu mới, Hoa kể rằng em với nhiều bạn bảo nhau là thích cách đăng ký như năm trước hơn, bởi có khả năng thay đổi được nguyện vọng nếu biết có hội trúng tuyển thấp.
“Nhất là em thấy nhiều trường có điểm chuẩn năm trước cao mà năm nay lại nhận hồ sơ ở mức thấp, nên bọn em chẳng hiểu là có nên nộp vào không nữa” – Hoa băn khoăn.
Đi hàng trăm km nộp ĐKXT
Bà Nguyễn Thị Hồng dẫn con gái Nguyễn Như Ý được 24,95 điểm từ Dĩ An (Bình Dương) đến nộp hồ sơ ĐKXT vào Y học cổ truyền và Y học dự phòng.
Như Ý cho biết dù rất thích Y đa khoa nhưng điểm của em không thể đỗ nên đành chọn ngành khác.
“Em thích ngành y nên khi nộp hồ sơ em cân nhắc rất kỹ. Năm ngoái, ngành Y học cổ truyền có điểm chuẩn 24,75, còn Y học dự phòng là 24,25. Các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn năm 2016 sẽ giảm so với năm ngoái nên em rất tin tưởng mình sẽ trúng tuyển” – Ý cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng tâm sự, bà rất muốn con gái đỗ vào Y đa khoa nhưng với số điểm này Ý không thể đỗ nên lựa chọn ngành khác. Khuyên con chọn trường khác thì không được vì con không thích.
“Tôi khuyên con chọn một trường học khác đỡ vất vả hơn như ĐH Bách khoa hay ĐH Khoa học tự nhiên, nhưng con không thích. Con chỉ nhăm nhăm vào trường y. Cháu được 27 điểm còn đỡ lo, chứ 25 điểm vào y rất mạo hiểm. Nhưng biết sao được, con thích thì phải chiều thôi” – bà Hồng than thở.
Trước khi đến nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, trong ngày nộp hồ sơ ĐKXT đầu tiên 1/8, hai mẹ con bà cũng đã bắt xe đò, đi hơn 200km xuống Cần Thơ để Như Ý nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ.
Kể lại hành trình “gian lao” đi nộp hồ sơ cùng con, bà Hồng tỏ ra lo lắng nếu con bà chọn học trường này.
“Hai mẹ con bắt xe đi từ 5 giờ sáng, đến Cần Thơ thì đã hết giờ nhận hồ sơ buổi sáng, phải chờ tới đầu giờ chiều mới nộp được. Sau khi làm các thủ tục và nộp xong xuôi thì tới 9 giờ đêm mới về tới nhà”.
Bà Hồng bày tỏ nỗi xót con, “Chỉ mong con đỗ trên này đi học cho tiện chứ trúng tuyển học ở Cần Thơ thì rất cực khổ vì hơi xa”.
Dù đã nộp xong hồ sơ, nhưng khi đứng “nghe ngóng”, bà Hồng lại cảm thấy sốt sắng khi có người khuyên con bà còn có “cửa” vào Y đa khoa theo hình thức “cử tuyển” của địa phương không.
“Vì nếu đi học cử tuyển cháu sẽ lựa chọn ngành Y đa khoa chứ không học Y học cổ truyền hay Y học dự phòng. Bản thân cháu cũng mong học xong ra có việc làm, dù bị ràng buộc còn hơn ôm tấm bằng chông chênh đi làm việc. Bác sĩ bây giờ cũng xin việc rất gian truân. Nhà tôi không có ai làm bác sĩ nhưng con vẫn thích đi học, nên nếu đỗ cũng chưa biết tính sao”.
Khi được hỏi vì sao hai mẹ con không lựa chọn hình thức ĐKXT trực tuyến hay qua bưu điện mà phải tới tận nơi, bà Hồng giải thích “Nộp trực tuyến hay bưu điện thì không biết thế nào, nên tôi cứ đưa con tới tận các trường mà nộp cho chắc ăn”.
Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/319247/nhung-thi-sinh-can-nao-chon-cua-nganh-y.html