Tổ chức kỳ thi THPT 2015
Chiều 9/9/2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Sau đó hơn 3 tháng, chiều ngày 18/12, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015 với 8 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Theo quy chế dự thảo, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc này và báo cáo Bộ Giáo dục.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.
Về đề thi, theo dự thảo, đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Cũng theo dự thảo, kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Bộ trưởng GD-ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.
Không chấm điểm ở bậc tiểu học
Ngày 28/8/2014, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 30 về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, bắt đầu áp dụng từ ngày 15/10/2014. Theo văn bản này, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực như: tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất như: chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết...
Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên dựa trên cả quá trình học tập, rèn luyện của học sinh được thực hiện theo tiến trình nội dung các môn học và hoạt động giáo dục khác, trong đó gồm cả quá trình vận dụng kiến thức, kỹ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Hàng tháng, cuối kỳ học, cuối năm học, giáo viên ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn, hoạt động giáo dục khác. Trong đó, giáo viên dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ...
Từ khi ban hành quyết định trên đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều của việc không chấm điểm. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, thay đổi trên là vì lợi ích của học sinh. "Chấm điểm gây nhiều áp lực cho học sinh và phụ huynh. Đã có trường hợp học sinh tự tử vì điểm mà báo chí đăng. Dù là một hay hai trường hợp cũng cần phải suy nghĩ", Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định khẳng định khi trao đổi với báo chí.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Rút từ 34.000 tỷ xuống 400 tỷ
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nêu dự tính kinh phí sơ bộ cho đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong 10 năm lên tới 34.275 tỷ đồng. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó cho rằng đây là con số kinh phí quá lớn, gây lãng phí không cần thiết.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định “34.000 tỷ đồng là sơ suất”. Theo lý giải của ông Luận, con số hơn 34.000 tỷ đồng nói trên là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau dựa theo các nội dung của Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, ước tính không chỉ cho đổi mới chương trình, SGK phổ thông mà còn cho những công việc khác như: đào tạo lại giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học trong toàn quốc, ứng dụng công nghệ thông tin...
“Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí. Tuy vậy, trong quá trình trao đổi, thảo luận về tờ trình của Chính phủ tại phiên họp vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT đã nêu ra con số ước tính 34.000 tỷ này, gây nên sự hiểu nhầm. Đây là sơ suất rất đáng tiếc và Bộ Giáo dục xin nhận trách nhiệm về việc này”, Bộ trưởng Luận lý giải con số 34.000 tỷ gây tranh cãi.
Sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến trái chiều vấn đề này, sáng 25/4, tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa khỏi chương trình làm việc lần này của Ủy ban với lý do “để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục cần thời gian hoàn thiện hồ sơ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo các ý kiến góp ý”.
Đến sáng ngày 28/9, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, trình bày về "Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, xây dựng chương trình, ngoài biên soạn một bộ sách giáo khoa và thẩm định chương trình, sách giáo khoa hết 462 tỷ đồng thì việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn dự kiến phải chi thêm 316,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ khác.
Theo Người Đưa Tin