Để học sinh không lầm lũi, nhút nhát
Có lẽ ít có phương pháp dạy học mới nào nhận được nhiều ý kiến bình luận như mô hình trường học mới (VNEN). Lời khen cũng nhiều mà phản đối cũng quyết liệt không kém.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Oanh ở Trường tiểu học Nậm Cắn 1 (H.Kỳ Sơn, Nghệ An), từ miền xuôi lên xã vùng cao công tác, được đồng nghiệp gọi là người “mê mẩn” với VNEN. Cô Oanh tâm sự: "Đơn giản là tôi nhìn thấy học trò của mình đang có một cơ hội rất tốt để được học theo hướng tích cực hơn”.
Cũng theo cô Oanh, học sinh (HS) vùng thành thị có thể sự thay đổi sẽ không cảm nhận rõ rệt, nhưng với 8 năm đứng lớp, một nửa thời gian dạy theo cách truyền thống và nửa thời gian dạy theo mô hình mới, cô có những so sánh trực quan sinh động khi nhìn vào chính HS của mình. HS vùng cao của cô Oanh, khi bước chân vào lớp 1 có tới 99% chưa giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, các em chủ yếu nói với nhau bằng tiếng dân tộc. Trước đây, khi dạy học theo cách cô giảng, trò nghe một cách thụ động, việc mời các em tham gia vào các hoạt động như “tự quản”, phát biểu ý kiến cá nhân trước lớp… là gần như không thể. Thế nhưng khi cô tổ chức lớp học theo nhóm, từng HS phải nói lên ý kiến của mình về bất cứ vấn đề gì, các em đã buộc phải thay đổi. Được “làm chủ” lớp học, được trải nghiệm với những tình huống gần gũi môi trường xung quanh chính là lý do khiến HS hào hứng và ham học hơn.
Cô Oanh cũng chia sẻ những gian nan phải thuyết phục phụ huynh, dư luận và cả đồng nghiệp cùng hiểu và phối hợp với mình. Nhiều khi cô cũng phải tự dặn không hoang mang bởi “tâm lý đám đông”.
Một số phụ huynh đã tìm đến cô Oanh để bày tỏ lo lắng là con về kể hôm nay ở lớp có những hoạt động “lạ” lắm, cô không giảng bài nhiều như trước mà “bắt” các con phải làm việc, phải bàn bạc với nhau, còn cô chỉ đứng “nhìn” và thỉnh thoảng mới gợi ý... Có phụ huynh đi ngang qua cửa lớp, thấy HS “túm 5 tụm 3” trong giờ học liền bảo: “Giờ học mà các con mất trật tự thế thì học làm sao!”…
Trước những ý kiến thắc mắc như vậy, cô và nhà trường quyết định mời phụ huynh đến dự giờ trọn vẹn vài tiết học để cảm nhận được con họ đã tiến bộ ra sao với phương pháp dạy học mới. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy đứa con nhút nhát của mình ngày nào giờ đứng trước lớp nói năng lưu loát, tự tin.
Cô Oanh tâm sự: "Nếu giờ “bắt” tôi quay lại phương pháp truyền thống thì không biết mình sẽ nản lòng đến mức nào dù điều đó sẽ nhàn hạ hơn cho tôi. Tôi không muốn HS dân tộc của mình, vốn đã rất thiệt thòi về điều kiện sống, học tập, lại trở về là những đứa trẻ lầm lũi, nhút nhát…".
Muốn học sinh nhìn xa hơn điểm số
Thi thế nào, học thế ấy là một trong những rào cản với giáo viên (GV) trong đổi mới dạy học. Nhưng có những GV không nản lòng trước rào cản ấy để xuôi theo mong muốn đầy “thực dụng” của HS mà quyết liệt để các em thấy cái đích xa hơn điểm số.
Cô Nguyễn Thị Thu Hải, GV tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), kể về những vướng mắc ban đầu: "Tôi mất rất nhiều thời gian để thuyết phục HS của mình rằng, học tiếng Anh phải giao tiếp được mới là cái đích cần đạt. Tuy nhiên, giữa tôi và một số HS vẫn không thể tìm được tiếng nói chung. Các giờ học kỹ năng, tôi vào lớp với tâm trạng nặng nề bởi sự bất hợp tác, thờ ơ của HS đối với việc học kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói. HS chọn tiếng Anh là môn thi xét tuyển ĐH thì chỉ quan tâm tới việc làm bài tập ngữ pháp lấy điểm cao. Tôi tổ chức hoạt động nói, tạo một số tình huống để HS tương tác, nhưng kết quả vẫn không khả quan chút nào. Vẫn có nhóm HS từ chối tham gia các hoạt động mà tôi thực hiện, hoặc miễn cưỡng tham gia".
Rồi cô lại mất nhiều ngày đêm để tìm tài liệu về phương pháp dạy tiếng Anh khả thi, phù hợp hơn để quyết định chọn phương pháp ngữ cảnh hóa môi trường học tập. Cô bắt đầu đưa các tình huống thực tế vào lớp học để thu hút sự quan tâm của HS, giúp HS thấy hình ảnh của chính mình trong các tình huống đó. “Tôi giao nhiệm vụ cho từng cá nhân hoặc nhóm khi tham gia hoạt động, HS cứ thế mà sử dụng tiếng Anh để trao đổi, để thi đấu mà không bị cảm giác đang học. HS không còn kỳ kèo tôi về việc “con phải dành thời gian học ngữ pháp để thi” hay “thi đại học chỉ thi ngữ pháp thôi”. Giờ đây HS thích thú khi được bận rộn chuẩn bị cho những giờ học này, tăng khả năng phản xạ, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh hơn rất nhiều...".
Theo Thanh niên