Những lưu ý khi xét tuyển vào 12 trường đại học nhóm GX

Các trường này gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, và Học viện Ngân hàng, Đại học Thăng Long, Học viện Chính sách và Phát triển.

Các trường trong nhóm GX cho biết, thí sinh cần đặc biệt lưu ý những điểm sau khi xét tuyển vào các trường trong nhóm.


Thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành vào 4 trường

Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX là chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia. Các trường sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì là Đại học Bách khoa Hà Nội quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét tuyển và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành, áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế.

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ chỉ được đăng ký nguyện vọng một tối đa vào hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành khác nhau

Tuy nhiên, nếu đăng ký trong nhóm GX, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 trường trong nhóm, mỗi trường một hoặc hai nguyện vọng nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4 nguyện vọng ở đợt 1 và không quá 6 nguyện vọng ở các đợt xét tuyển bổ sung.

Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu đăng ký xét tuyển. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin mã trường - mã nhóm ngành.

Tuy nhiên, thí sinh có thể vừa đăng ký xét tuyển vào một trường trong nhóm GX, vừa có thể đăng ký thêm một trường bên ngoài nhóm.

Trong trường hợp này, thí sinh vẫn chỉ được đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai nguyện vọng.

Nếu đã đăng ký hai trường trong nhóm ở đợt một hoặc ba trường trong nhóm ở đợt bổ sung, thí sinh sẽ không được đăng ký thêm các trường bên ngoài nhóm.

Sử dụng phiếu xét tuyển riêng

Do với các trường trong nhóm GX, thí sinh có thể được đăng ký nhiều ngành vào nhiều trường nên mẫu phiếu đăng ký xét tuyển được thiết kế có một số thay đổi nhỏ so với mẫu phiếu đăng ký xét tuyển đại học chung của Bộ GD&ĐT

Mẫu phiếu này được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tất cả các trường trong nhóm GX.

Nhóm các trường GX cũng đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục lưu ý thí sinh điểm này khi hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học.

"Nếu thí sinh nộp nhầm phiếu đăng ký xét tuyển sẽ rất rắc rối cho công tác xét tuyển," ông Tớp nói

Gian lận hồ sơ sẽ đối mặt rủi ro

Do thí sinh chỉ cần dùng mã số trên giấy báo điểm để đăng ký xét tuyển nên việc có tuyển sinh theo nhóm trường song song với tuyển sinh chung Bộ sẽ có thể xảy ra tình trạng thí sinh gian lận làm nhiều hồ sơ.

Thí sinh có thể vừa đăng ký xét tuyển theo nhóm trường, vừa làm hồ sơ đăng ký xét tuyển trường ngoài nhóm. Khi đó, tổng số trường thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng một có thể nhiều hơn 4 trường.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã tính toán đến phương án này và đã có giải pháp kỹ thuật để khắc phục.

Cụ thể, khi có tuyển sinh theo nhóm trường, phần mềm tuyển sinh của Bộ đã có điều chỉnh theo hai lựa chọn: tuyển sinh chung hay tuyển sinh theo nhóm. Nếu thí sinh đăng ký nhiều hồ sơ, khi nhập dữ liệu tổng thể, phần mềm sẽ tự động cắt bớt ngẫu nhiên các nguyện vọng và chỉ để lại số nguyện vọng đúng theo quy chế. Khi đó, thí sinh có thể bị mất thông tin đăng ký vào trường mà mình thực sự mong muốn.

Có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ trường nào trong nhóm

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào các trường trong nhóm GX theo nhiều hình thức: đăng ký online, gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Đặc biệt, thí sinh có thể nộp trực tiếp phiếu đăng ký xét tuyển tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.

Từng trường xét tuyển độc lâp

Mặc dù sử dụng chung phần mềm tuyển sinh nhưng các trường trong nhóm GX vẫn rất độc lập về quy định điều kiện để xét tuyển vào từng trường, từng ngành.

Mỗi trường vẫn có quy định riêng về tổ hợp môn xét tuyển đối với từng ngành, từng nhóm ngành. Cách xác định môn thi chính để nhân hệ số 2 khi tính điểm xét tuyển, xác định chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển với từng nhóm ngành giữa các trường cũng có sự khác nhau.

Vì thế, khi thí sinh đăng ký dự tuyển cần tìm hiểu kỹ thông tin của từng trường, đặc biệt là ở từng ngành học mà mình định dự tuyển để có lựa chọn phù hợp.

Không phân biệt, ưu tiên thứ tự nguyện vọng

Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển (mẫu được thiết kế riêng cho nhóm GX).

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành của bốn trường trong nhóm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng.

Tuy nhiên, thứ tự này chỉ có giá trị ưu tiên với chính thí sinh, nếu thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa.

Khi xét trúng tuyển giữa các thí sinh, điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhung-luu-y-khi-xet-tuyen-vao-12-truong-dai-hoc-nhom-gx-1032869.tpo