>> Giáo dục, thông tin tuyển sinh, đáp án đề thi đại học, điểm thi đại học 2013
Kĩ năng hay để làm bài tốt môn Lịch sử khối C
Để giúp thí sinh có kĩ năng và những lưu ý để làm bài thi môn Lịch sử khối C, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với thầy giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An.
Tự tin nhưng không chủ quan
PV: Thưa thầy, đợt hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp đến. Đợt này các khối thi xã hội chiếm phần lớn, trong đó có môn Lịch sử. Thầy có chia sẻ gì với thí sinh trước khi làm bài môn này ?
Thầy Trần Trung Hiếu: Đến thời điểm này, nhiều em học sinh đã cơ bản hoàn thành ôn tập kiến thức và rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm bài, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh. Xét về góc độ là người giáo viên giảng dạy học sinh thi vào đại học, cao đẳng môn Sử, nếu các em còn cảm thấy lo lắng và căng thẳng vì áp lực, tôi muốn chia sẻ và dặn dò đôi điều giúp các thí sinh thi khối C chuẩn bị một tâm thế vững vàng nhất sau:
Thứ nhất, Hiểu và tuân thủ quy chế tuyển sinh
về mặt quy chế thi tuyển sinh, thi tuyển sinh đợt 1 vừa qua đã cho thấy vẫn còn nhiều thí sinh bị lập biên bản và đình chỉ thi vì những lỗi rất đơn giản là mang những vật dụng không được phép vào phòng thi, nhất là điện thoại di động.
Những kỹ năng đề làm tốt bài thi đại học môn Lịch Sử. Theo thầy Trần Trung Hiếu, nếu nắm trắc kiến thức SGK Lịch sử lớp 12 thí sinh có thể làm được bài. Ảnh Xuân Trung
Thứ hai, hãy tự tin nhưng không chủ quan.
Đến thời điểm này, tuy đã học xong kiến thức, đã trải qua ít lần thi thử và nhiều em đã chuẩn bị sẵn sàng mong chờ đế ngày “tỉ thí” nhưng không nên chủ quan. Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông rằng đề thi sẽ không quá khó trong tất cả các câu. Kiến thức của đề thi là cơ nằm trong chương trình sách giáo khoa môn Lịch Sử 12 THPT.
Thứ ba, chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý
Về mặt tâm lý, nhiều em trước khi thi ít ngày thường hay có thói quen võ đoán đề thi trong những giấc mơ hay những phán đoán hoàn toàn thiếu cơ sở rằng, đề thi năm sẽ ra phần này, câu này chứ không ra phần kia, câu kia. Có thể vấn đề này, câu hỏi kia năm ngoái đã ra, năm nay vẫn có thể ra nhưng cách đặt câu hỏi khác hoặc câu hỏi hay vấn đề mang tính chất liên quan. Nếu “học tủ” sẽ dẫn đến hồi hộp, căng thẳng trước giờ thi.
Không ít thí sinh vì đoán mò để “tủ” vấn đề kiến thức, khi đọc xong đề thi mà không “trúng” những vấn đề mà mình ôn tập làm cho thí sinh hoang mang về mặt tâm lý, bị động trong quá trình làm bài dẫn đến bị “tủ đè”.Vì vậy, trong giai đoạn “nước rút” , các em không được “học tủ”, “ôn tủ” và dồn mọi nỗ lực và thời gian cuối cùng theo kiểu suy đoán mơ hồ, may rủi và hoàn toàn thiếu cơ sở như thế.
Học hết các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong chương trình mà Bộ GD&ĐT đã “giảm tải” sẽ giúp các thí sinh tự tin khi vào phòng thi và trong quá trình làm bài. Nếu còn chưa thật an tâm, các em nên rà soát lại kiến thức một cách nhẹ nhàng và khái quát hoá, hệ thống lại một lần nữa những kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa môn Sử mà trọng tâm là Lịch Sử lớp 12 THPT. Xem Clip của thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu về Tâm lý phòng thi
PV: Làm bài đối với môn Lịch sử không như các môn khác cần phải có hệ thống sắp xếp sự kiện, ngày tháng, vậy theo Thầy, thí sinh cần làm gì trong lúc làm bài để không bỏ quên sự kiện, ngày tháng?
Thầy Trần Trung Hiếu: Theo tôi, khi làm bài thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng nói chung và đối với với các môn thi theo hình thức tự luận khối C nói riêng, một phần việc tuy không mất quá nhiều thời gian của thí sinh là phải nên làm trên giấy nháp trước khi viết vào bài thi. Đối với môn Sử, đây là môn thi mà thường có nhiều kiến thức, sự kiện mốc thời gian ...nên trước khi làm bài vào tờ giấy thi, các em phải đọc kỹ yêu cầu của đề, dùng bút ghạch chân hay khoanh tròn những cụm trên từ đề thi những cụm từ toát lên nội dung và yêu cầu của từng câu.
Sau đó, thí sinh nên nhanh chóng làm đề cương sơ lược ( hay còn gọi là lập dàn ý ) vào giấy nháp. Đây là kỹ năng quan trọng đối với các môn thi tự luận, đặc biệt là môn Sử để giúp thí sinh hạn chế được nhiều sự lúng túng trong khi trình bày bài thi, tránh được sự sai sót và nhầm lẫn sự kiện.
Tuy nhiên, cấu trúc đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Sử trong những năm gần đây thường có xu hướng bớt dần việc yêu cầu thí sinh trình bày, liệt kê sự kiện ( kỹ năng nhận biết sự kiện, kiến thức ) mà trên cơ sở những kiến thức, sự kiện lịch sử cơ bản yêu cầu các em biết trình bày ý nghĩa, nhận xét, đánh giá tác động của sự kiện đó, vấn đề đó trong tiến trình lịch sử và khả năng liên hệ, xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau (kỹ năng thông hiểu, vận dụng ).
PV: Đối với dạng đề khó, hỏi lắt léo không đi thẳng vào vấn đề thí sinh thường bối rối không biết bắt đầu từ đâu. Thầy có chia sẻ gì về cách mở đầu bài làm cho dạng đề này ?
Thầy Trần Trung Hiếu: Trước khi làm bài, thí sinh nên phân tích đề và xác định yêu cầu của từng câu hỏi, câu dễ làm trước, khó làm sau.
Đây là dạng câu hỏi tương đối khó ( thường gọi là đề chìm ) để phân loại, đánh giá được năng lực của thí sinh khá và giỏi. Câu hỏi này thường yêu cầu thí sinh không chỉ nhận biết trình bày sự kiện, kiến thức mà là phân tích, đánh giá sự kiện đó đó theo kiểu không phải là “như thế nào” mà là “tại sao”, “vì sao”...
Khi làm câu hỏi dạng này, thí sinh nên bình tĩnh, không quá lo sợ hay hoang mang, đọc kỹ xem yêu cầu của câu này nằm ở cụm từ nào, vế nào của câu ? Thực chất của câu đó bắt mình trình bày, lý giải vấn đề gì ? Và dù câu khó ở mức độ nào, thì kiến thức của câu đó đều nằm trong chương trình của sách giáo khoa và không ra trong kiến thức đã “giảm tải” mà Bộ GD&ĐTđã ban hành và thực hiện 2 năm học nay.
Lưu ý chia thời gian hợp lí
PV: Đề thi Lịch sử có hai phần, Lịch sử Việt Nam và Thế giới, theo thầy các thí sinh cần phân chia thời gian như thế nào để hoàn thành tốt các câu hỏi ở hai phần này?
Thầy Trần Trung Hiếu: Cấu trúc chương trình và nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như trong cấu trúc đề thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013 đều có 2 phần trong đề thi : phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới và tương xứng với 2 phần kiến thức đó là 2 phần .
Phần chung (phần bắt buộc )cho tất cả các thí sinh với 3 câu hỏi với tổng điểm cho 3 câu của phần này là 7,0 điểm, thuộc phần kiến thức lịch sử Việt Nam. Phần riêng ( phần tự chọn ) thuộc phần kiến thức lịch sử thế giới với tổng điểm là 3,0, gồm 2 câu theo chương trình chuẩn và nâng cao, thí sinh chỉ được chọn và làm một trong 2 câu đó tuỳ theo năng lực, sở trường.
Phần kiến thức lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70% lưu lượng và thời gian trong chương trình sách giáo khoa và cũng là phần thi với nhiều câu hỏi nhất trong đề thi môn Sử với tổng là 7,0 điểm. Như vậy, đây là phần kiến thức mà thí sinh phải giành nhiều nhất về mặt thời gian làm bài của 180 phút cũng như số lượng ký tự, số trang viết trên tờ giấy thi.
Ở phần kiến thức lịch sử thế giới : thí sinh chỉ làm 1 câu trong 2 câu tự chọn, với số điểm là 3,0. Vậy, ở phần thi này tuỳ theo mức độ khó hay dễ, thí sinh chỉ nên giành khoảng từ 30 đến 40 phút là vừa.Tuy nhiên, dù chỉ là một câu, với 3,0 điểm nhưng xin các thí sinh lưu ý là muốn làm bài thi đạt kết quả cao, các em nên phải làm hết các câu hỏi của 2 phần thi trong đề thi .
Khi làm câu phần lịch sử thế giới, các em nên cân đối thời gian làm bài cho hợp lý, tránh tình trạng “ tham lam” cả về trình bày kiến thức và thời gian khi làm phần lịch sử thế giới ( khi các em chọn làm phần này trước), các em sẽ bị thiếu thời gian khi làm phần nhiều điểm nhất.
Một vấn đề quan trọng mà các em cần lưu ý là, trong cấu trúc trình bày của đề thi tuyển sinh môn Sử theo thứ tự từ phần lịch sử Việt Nam trước, phần lịch sử thế giới sau. Khi làm, tuỳ vào khả năng của mình, thí sinh phải rất linh hoạt, không nhất thiết phải trình bày theo đúng thứ tự phần thi và câu hỏi. Phần nào, câu nào dễ thì làm trước, khó làm sau và tổng điểm không bao giờ thay đổi.
Điều cuối cùng mà tôi xin được dặn dò và nhắc nhở các thí sinh là trong quá trình làm bài thi môn Sử, các em luôn theo dõi thời gian (qua đồng hồ đeo tay hay đồng hồ treo tường trong phòng thi, nếu có ) để phân chia thời gian làm hết các câu, tránh làm bài thi theo kiểu ngẫu hứng , tuỳ tiện và lan man, dài dòng.
Sau khi căn thời gian hợp lý để làm hết các câu, các em nên giành khoảng 10 phút đọc nhanh lại bài thi để rà soát lại kiến thức và các lỗi sơ suất, thiếu sót trong bài thi, viết đầy đủ các thông số định vị trên phía bên phải tờ giấy thi yêu cầu về học và tên, số báo danh, phòng thi, số lượng tờ giấy thi của bài thi, thứ tự tờ của bài thi, đặc biệt ở những bài thi có nhiều tờ giấy thi.
Điều rất “tối kỵ” , trở thành quy chế trong quá trình chấm thi của Bộ GD&ĐT là khi đi thi, các thí sinh nên chuẩn bị 2 chiếc bút viết ( phòng hết mực hay tắc mực ) cùng một màu chữ ( xanh hoặc đen ), không được viết 2 màu mực, 2 kiểu chữ viết trong một bài thi.Không nên tẩy, xoá nhiều làm bản hoặc rách bài thi.
PV: Một số thầy cô dạy Lịch Sử nêu quan điểm, dưới mỗi câu trả lời thí sinh cần đưa ra một nhận xét, ý kiến về sự kiện đó. Quan điểm của thầy thấy thế nào khi mỗi sự kiện đều có ý kiến đánh giá của người viết trong đó?
Thầy Trần Trung Hiếu: Khi làm bài thi tuyển sinh môn Sử, các thí sinh nên lưu ý rằng, dù các câu hỏi của đề thi dễ hay khó, đề thi yêu cầu trình bày sự kiện, kiến thức hay so sánh, phân tích, nhận xét, đánh giá một vấn đề lịch sử, khi trình bày kiến thức phải rõ ràng, mạch lạc giữa các luận điểm. Không viết gộp nhiều luận điểm trong khi trình bày.
Phải tách ý, hết một ý lớn nên xuống hàng chứ không được trình bày bài thi theo kiểu gạch đầu dòng, lập dàn ý.Khi các em trình bày hết những phần kiến thức cụ thể, nên có thêm ít dòng tiểu kết lại bằng những cụm từ kiểu như “Như vậy”, “Tóm lại”... mà nội dung của nó thường khái quát , khẳng định lại hay nhận xét, đánh giá chung một cách cô đọng phần mà các em vừa trình bày.
Có thể trong yêu cầu của câu không nêu, nhưng khi làm bài, các em nên lưu ý. Đây là phần kiến thức tuy không cơ bản nhưng đều có khoảng từ 0,5 điểm điểm tuỳ từng câu cụ thể mà trong các đáp án thi tuyển sinh môn Sử hàng năm của Bộ GD&ĐT thường có.
PV: Thầy có lời chúc gì tới các sĩ tử thi môn Lịch Sử nói riêng và đợt hai nói chung ?
Thầy Trần Trung Hiếu: Cuối cùng, để tránh mọi yếu tố rủi ro không đáng có, các “sĩ tử” trước mỗi buổi thi nên chủ động cài báo thức và dậy sớm, đến địa điểm thi sớm hơn so với thời gian quy định của Bộ GD&ĐT để giúp các em vừa thoải mái, sảng khoái hơn, vừa có thể chủ động trước những tình huống ngoại cảnh tác động như tắc đường, hỏng xe, quên thẻ dự thi...Trước khi vào phòng thi và làm bài, không nên tự “mặc định” hay “an bài” cho mình quan điểm “Học tài, thi phận” mà phải luôn nỗ lực, cố gắng trong khả năng có thể để thi tốt.
Chúc các các em bình tĩnh, tự tin và thi tốt môn Lịch Sử trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013.
Trân trọng cảm ơn thầy.
Theo tác giả Xuân Trung - Báo giáo dục Việt Nam