Điểm liệt

Số bài thi bị điểm liệt năm 2017 đã giảm đáng kể so với những năm trước. Theo thống kê số liệu điểm thi do Bộ GD-ĐT công bố, với 9 môn thi của 5 bài thi, tổng số bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) là 6.817.

Như vậy dù số môn thi có tăng thêm 1 môn (giáo dục công dân), nhưng số lượng bài thi bị điểm liệt giảm mạnh so với năm 2015 (37.000 bài) và năm 2016 (19.000 bài). Điều này đưa đến dự đoán là tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không thấp hơn năm 2016 (92,93%), vì thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu do vướng điểm liệt.

>> Phổ điểm thi THPT quốc gia 2017

Điều đáng chú ý là năm nay môn toán lần đầu tiên được tổ chức thi dưới hình thức trắc nghiệm. Chính điều này đã “góp phần” đáng kể cho việc giảm số bài thi bị điểm liệt.
Năm 2015, số bài thi môn toán bị điểm liệt chiếm 20.667/37.000 (chiếm 56%), năm 2016 môn toán chiếm 14.000/19.000 (chiếm 74%) và năm 2017 môn toán chỉ chiếm 23% tổng số bài thi bị điểm liệt.

Tuy nhiên có một điểm chưa hợp lý lắm trong phổ điểm các môn thi đã được công bố, đó là số lượng các bài thi bị điểm 0 (không trúng câu nào) ở tất cả các môn thi trắc nghiệm đều cao hơn rất nhiều so với số lượng các bài thi trúng từ 1 - 4 câu.

Lưu ý từ phổ điểm

Phổ điểm

Nếu như phổ điểm của vài môn thi có thể chưa được “đẹp”, chẳng hạn phổ điểm môn giáo dục công dân có đỉnh lệch về phía điểm cao bên phải, phổ điểm môn ngoại ngữ lệch về phía điểm thấp bên trái thì nhìn chung, phổ điểm của các môn thi cho thấy có một độ bảo đảm an toàn nhất định cho tỉ lệ tốt nghiệp THPT.

Môn ngoại ngữ đã có cải thiện đáng kể, điểm trung bình tuy chưa đạt 5 nhưng so với năm 2015 và 2016 đã tăng lên. Tất nhiên điều này chưa phải phản ánh trình độ khả năng ngoại ngữ của học sinh tăng lên, nhưng ít nhất cũng cho thấy cách ra đề đã phù hợp hơn (bỏ phần tự luận).

Điều đáng lưu ý là phổ điểm theo các khối thi truyền thống do Bộ GD-ĐT vừa công bố “đẹp” hơn rất nhiều so với phổ điểm của từng môn thi. Điều này có ý nghĩa khá quan trọng, vì hiện phần lớn các trường đại học vẫn xét tuyển theo các tổ hợp môn thi truyền thống, với dạng phổ điểm khối thi như vậy có độ phân cách đạt yêu cầu sẽ đáp ứng được công tác xét tuyển của các trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nảy sinh vấn đề phải chăng học sinh vẫn học và thi để nhắm đến việc xét tuyển hơn là để có được một kết quả tốt nhất toàn diện. Sơ bộ thống kê kết quả thi cho thấy hiện tượng chênh lệch điểm các môn thi của cùng một thí sinh khá phổ biến.

Điểm sàn khó... đột biến

Tất nhiên ở thời điểm này cũng khó đưa ra dự đoán chính xác điểm chuẩn trúng tuyển năm nay của các trường sẽ tăng hay giảm, vì điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như: số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh...

Nhưng với phổ điểm dự kiến của các môn thi và phổ điểm của các khối thi, có thể dự đoán sẽ không có thay đổi đột biến trong mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Số lượng thí sinh đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào đại học không đến 650.000, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường đại học năm 2017 không đến 350.000, tỉ lệ này khiến cần phải cân nhắc khi xem xét khả năng tăng mức điểm sàn xét tuyển 2017.

Theo Tuổi trẻ