Tin liên quan
>> Luật dạy nghề làm khó người học
>> Loạn trong công tác đào tạo nghề
>> Nguy cơ mất trường dạy nghề
Dạy nghề
Luật Dạy nghề là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Sau 5 năm thực hiện Luật Dạy nghề, mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, vùng, miền nhưng vẫn còn tồn tại không ít bất cập.
Đến nay cả nước có khoảng 2.500 cơ sở dạy nghề với 136 trường cao đẳng nghề, 307 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác nhau tham gia dạy nghề với lực lượng giáo viên gần 50.000 người. Trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên tại các trường cao đẳng nghề chiếm 69,42% và ở các trường trung cấp nghề là 48,96%. Khoảng 65% số giáo viên trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề có trình độ kỹ năng nghề là giáo viên dạy thực hành. Các cơ sở dạy nghề đã tuyển mới được gần 1,35 triệu người học cao đẳng nghề, trung cấp nghề và hơn 6,85 triệu người học sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên.
Những bất cập
Tuy nhiên, công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động về tay nghề và các kỹ năng mềm. Hàng loạt vấn đề đặt ra như trình độ lao động có tay nghề có khoảng cách lớn so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới; cơ cấu đào tạo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý; dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm; giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; quản lý nhà nước về dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề; chưa hình thành được những cơ sở dạy nghề chất lượng cao và trung tâm đào tạo nghề ở các vùng; sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề còn hạn chế…
Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn thay đổi liên tục, hướng dẫn chung chung, thiếu đồng bộ hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như vấn đề liên kết trong đào tạo nghề, thành lập và hoạt động của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; chuyển đổi hình thức hoạt động của các cơ sở nghề…
Ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, số lượng tuyển sinh và tốt nghiệp các trường nghề hàng năm tăng chậm, chưa phù hợp với xu thế phát triển; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trước khi tuyển dụng tại các doanh nghiệp còn ở mức cao; các ngành nghề cần lao động qua đào tạo không tuyển đủ nhân lực, trong khi một số ngành lại thừa…
Trong quá trình thực hiện Luật Dạy nghề, nhiều ý kiến cho rằng một số phát sinh, bất cập cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, trong luật không nên giới hạn thời gian đào tạo nghề sơ cấp; cần làm rõ việc thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài; bổ sung nội dung điều chỉnh về đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và việc đầu tư các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển dạy nghề ngang tầm khu vực và thế giới.
Không nên tách giáo viên dạy nghề thành 2 loại (lý thuyết và thực hành) mà phải chuẩn hóa giáo viên về mặt chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng dạy nghề. Về cơ sở dạy nghề, cần xác định rõ loại hình sở hữu của các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và các cơ sở giáo dục chỉ nên tập trung vào việc thực hiện đào tạo hệ chuyên nghiệp thay vì tham gia đào tạo nghề.
Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, nếu doanh nghiệp không tham gia được hoạt động dạy nghề thì phải đóng góp khoản kinh phí dạy nghề theo quy định…
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Ngọc Phi thừa nhận, sau 5 năm thi hành Luật Dạy nghề, ngoài những kết quả đạt được đáng ghi nhận, cũng phát sinh những bất cập, vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi bổ sung để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (SGGP)