Bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành vừa chính thức được công bố. Đây là lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.

Điều bất ngờ trong bảng xếp hạng là các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng đều có xếp hạng trung bình mặc dù các cơ sở giáo dục đại học này đều có điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10-30% của phổ điểm, sinh viên năng động, ra trường dễ kiếm được việc làm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Trường Đại học Ngoại thương chỉ đứng ở vị trí giữa (thứ 23), cao hơn một chút so với các trường cùng ngành khác là trường Đại học Thương mại (thứ 29), trường Đại học Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).

Bảng xếp hạng chỉ mang ý nghĩa tham khảo

Sau khi công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học và nhận được sự phản hồi từ phía dư luận xã hội, nhóm chuyên gia cho rằng, bảng xếp hạng này hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Nếu không đồng tình với bảng xếp hạng, người sử dụng hoàn toàn có thể bỏ qua, không công nhận và không sử dụng. Bảng xếp hạng là một sản phẩm nghiên cứu độc lập, không phải của cơ quan quản lý, nên hoàn toàn không có yếu tố ràng buộc.

Nhóm chuyên gia độc lập xếp hạng các trường đại học nói gì sau dư luận?

Đối với cơ quan quản lý, đây có thể được xem như một tài liệu tham khảo độc lập và sơ lược, đưa thêm một góc nhìn mới về một số chọn lọc cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Đối với học sinh và phụ huynh, bảng xếp hạng có thể được xem dùng phác họa về tương quan giữa các trường này với nhau ra sao, trước khi đào sâu vào tìm hiểu về trường và ngành nghề mình cần quan tâm. Đối với chính các cơ sở giáo dục đại học, bảng xếp hạng có thể được xem như một lát cắt giúp các trường nhìn lại những mặt mạnh và yếu của mình trong so sánh với cơ sở giáo dục bậc cao khác ở Việt Nam. Chính vì bảng xếp hạng chỉ đóng vai trò tham khảo, Nhóm nghiên cứu cho rằng các trường nên tập trung hơn vào nâng cao chất lượng thật sự và tiến hành kiểm định chất lượng.

Các thông tin trong bảng xếp hạng, nếu có, chỉ nên xem là một lát cắt bổ sung cho quá trình rà soát, nâng cao chất lượng của nhà trường.

Không phải trường có vị trí thấp hơn thì chất lượng kém hơn

Trước băn khoăn của xã hội là trường đại học có vị trí thấp hơn trong bảng có xếp hạng liệu có chất lượng kém hơn, nhóm chuyên gia nhận định, hoàn toàn không phải như vậy. Đánh giá một cơ sở giáo dục đại học cần rất nhiều tham số, thậm chí có những tham số không thể định lượng được. Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần nào đó chất lượng của cơ sở giáo dục, thông qua những chỉ số và thước đo được sử dụng khi xây dựng Bảng xếp hạng.

Vị trí cao thấp giữa hai cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn không có nghĩa trường này “tốt” hơn trường kia ở tất cả các mặt, thậm chí ở nhóm tiêu chí đó.

Nhóm chuyên gia khuyến cáo không nên dùng những chỉ số kỹ thuật này để đánh giá chất lượng tổng thể của một cơ sở giáo dục đại học, một nhiệm vụ cần những khảo sát, kiểm định về giáo dục toàn diện và chuyên sâu hơn của các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp khác.

Những trường không nằm trong bảng xếp hạng liệu thì sao? Những trường nằm ngoài bảng xếp hạng không có nghĩa là có chất lượng “kém” hơn những trường có mặt trong báo cáo này. Sẽ có nhiều trường có chất lượng tốt hơn các trường trong bảng xếp hạng. Như đã đề cập, do nguồn lực giới hạn, nhóm tập trung thu thập số liệu của hơn 100 trường đại học có quy mô và được biết đến nhiều hơn cả. Tuy nhiên, chỉ có 49 trường trong số này đáp ứng được yêu cầu về đầy đủ số liệu. Do đó chỉ có 49 trường được đưa vào bảng xếp hạng lần đầu này.

Tóm lại, việc các trường không nằm trong bảng xếp là bởi lý do duy nhất: thiếu số liệu. Chúng tôi hy vọng sang năm sẽ có dịp bổ sung đầy đủ hơn các trường vào danh sách bảng xếp hạng. Tại sao các trường đại học được cho là “có uy tín” lại có thứ hạng thấp hơn mong đợi? Đầu tiên chúng ta phải trả lời câu hỏi: Thế nào là một “đại học tốt”?

Nhóm xếp hạng cho rằng, có sự khác nhau về cách hiểu thế nào là một đai học tốt. Từ cách hiểu đó, bộ tiêu chí để đánh giá đại học tốt là khác nhau. Cách hiểu của nhiều phụ huynh học sinh, và một bộ phận trong xã hội có xu hướng muốn đánh giá đại học dựa vào các yếu tố: thương hiệu truyền thống, điểm thi đầu vào đại học và khả năng tìm việc làm sau khi ra trường. Nói chung sẽ tập trung nhiều vào các tiêu chí liên quan đến giáo dục và cảm nhận về thương hiệu.

Theo góc nhìn này, những trường như Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội,... phải có những vị trí cao. Những trường này điểm chuẩn đầu vào rất cao và khả năng xin được việc làm tốt sau khi ra trường. Tuy nhiên, nhóm xếp hạng đánh giá đại học ở góc nhìn khác. Bên cạnh các tiêu chí giáo dục và đào tạo, chúng tôi đo lường thêm các tiêu chí về nghiên cứu khoa học, tập trung vào đầu ra xuất bản trên các ấn phẩm quốc tế có bình duyệt.

Ngoài ra, nhóm xếp hạng cũng đo thêm các yếu tố về cơ sở vật chất và quản trị. Khi áp dụng bộ tiêu chí đó, nhiều trường có thứ hạng không cao là do công bố khoa học (bao gồm cả quy mô về số lượng bài công bố và năng suất tính theo số bài công bố trên đầu giảng viên) trên các ấn phẩm quốc tế còn khá mờ nhạt.

Hơn nữa, quy mô tuyển sinh lớn hơn so với nguồn cán bộ tiến sĩ đang công tác cũng là một yếu tố khiến cho vị trí xếp hạng bị thấp xuống. Đây chỉ là những lý do phác thảo chung, vì để lý giải thứ hạng từng trường cần căn cứ điểm số được đánh giá cho đặc thù mỗi trường đó. Bên cạnh khác biệt về cách hiểu “đại học tốt”, thứ dẫn đến các tiêu chí đánh giá khác, thứ hạng cao thấp cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng dữ liệu, bộ chỉ số đo và cảm nhận của người dùng.

Nhóm chuyên gia độc lập xếp hạng các trường đại học nói gì sau dư luận?

Sẽ cải thiện bộ chỉ số và chất lượng dữ liệu

Trong tương lai, nhóm sẽ cải thiện bộ chỉ số và chất lượng dữ liệu để đo lường tốt hơn các yếu tố khác phục vụ xếp hạng (tỷ lệ việc làm, danh tiếng trường, đánh giá của nhà tuyển dụng …). Những trường có sinh viên được đánh giá chất lượng lại xếp thứ hạng khá khiêm tốn trong khi những trường có sinh viên được đánh giá không tốt bằng lại giữ vị trí cao hơn. Điều này liệu có công bằng và hợp lý? Có rất nhìn góc nhìn khác nhau về đại học.

Góc nhìn phổ biến hiện giờ chỉ dựa vào điểm trúng tuyển đầu vào. Trường nào điểm đầu vào cao thì trường đó tốt. Cái nhìn này đã ăn sâu và nhận thức. Khi bị thiên vị bởi định kiến ấy, chúng ta "sốc" khi thấy kết quả ngược với kỳ vọng. Trong báo cáo này, nhóm xếp hạng tập trung và phân tích định lượng và tạm thời chưa đưa vào Bảng xếp hạng những ý kiến nhận định của chuyên gia.

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đánh giá quy mô có vai trò quan trọng tương tự như chất lượng. Nhóm chúng tôi cho rằng, quy mô phản ánh sức ảnh ảnh hưởng của trường đến xã hội. Vì thế, những trường có điểm tuyển vào rất cao, nhưng mỗi năm chỉ tuyển vài trăm sinh viên, thì có thể bị “thua thiệt về xếp hạng” hơn so với những trường mỗi năm tuyển vài nghìn sinh viên, khi mà ảnh hưởng của nguồn nhân lực được đào tạo thấp hơn.

Tri thức (sản phẩm của nghiên cứu khoa học) và nhân lực (sản phẩm của quán trình đào tạo) là hai thước đo quan trọng nhất của một trường đại học theo mô hình Humboldt - mô hình kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo mà hầu hết các đại học tốt trên thế giới hiện nay xây dựng nên.

Khi làm nghiên cứu, người thầy đã góp phần tạo ra tri thức mới. Khi mang những điều đó dạy cho sinh viên, người học sẽ nhận được không chỉ kiến thức, mà còn là những kinh nghiệm và sự sàng tạo công việc sau này. Do đó, nhóm nghiên cứu tập trung các tiêu chí đánh giá với trọng số cao hơn cho hai tiêu chí này.

Về triết lý của bảng xếp hạng, nhóm nghiên cứu cho rằng, một đại học phải làm được nhiều hơn việc chỉ tập trung cho đào tạo. Một đại học phải có nghiên cứu, phải có công bố khoa học. Như thế mới là đại học. Đây là quan điểm riêng của nhóm nghiên cứu. Chúng tôi chọn cách đó vì muốn thúc đẩy các trường chú trọng hơn vào yếu tố rất quan trọng này./.

Theo VOV