Nhiều trường không mặn mà

Không mặn mà

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, hiện nay đã có 2 nhóm trường xét tuyển chung là Nhóm GX do ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì và nhóm ĐH Đà Nẵng. Hiện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đang kêu gọi các trường lập thêm nhóm mới hay tham gia vào các nhóm đã có sẵn để thuận lợi cho công tác xét tuyển năm 2016.

Tuy nhiên, ông Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Các trường không mặn mà tham gia các nhóm xét tuyển, sau gần 1 tháng kêu gọi đến nay chỉ có ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương đồng ý tham gia nhóm.

“Bộ có nói phần mềm xét tuyển chung nhưng đến giờ vẫn “im hơi lặng tiếng”, phần mềm chưa công bố, ý nghĩa của nó, lợi ích của nó như thế nào đến giờ vẫn chưa thấy Bộ đả động đến. Bộ GD&ĐT chưa công bố phần mềm, các trường chưa thấy cái hay, cái lợi nên họ không mặn mà” - ông Khuyến lo lắng.

Ông Khuyến cho hay: “Hiện Hiệp hội đã giới thiệu cho Bộ phần mềm của ĐH Thăng Long, phần mềm này có 3 ưu điểm rất lớn là chỉ chạy trong 2 phút cho ra kết quả; chạy trên laptop thông thường và áp dụng được cho các trường có tiêu chí xét tuyển khác nhau. Vừa qua, phần mềm này đã được chạy thử tại ĐH Thái Nguyên với giả định 1.000 thí sinh chỉ sau 2 tiếng chạy xét tuyển, căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia, học bạ THPT, kể cả kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, phần mềm đã cho kết quả chính xác. Với nhiều ưu điểm như vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến giờ này Bộ GD&ĐT vẫn không thông qua”.

“Thời điểm này đã là muộn nhưng nếu Bộ quyết tâm vẫn có thể triển khai được vì các trường sẽ xét tuyển sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Nếu để các trường xét tuyển riêng thì tốn kém. Bộ đưa ra phương án xét tuyển chung là ít tốn kém nhất” - ông Khuyến nhấn mạnh.

Độc lập

Nhiều trường ĐH cho biết, phần mềm xét tuyển theo nhóm khó đáp ứng yêu cầu xét tuyển đa dạng của từng cơ sở nên sẽ xét tuyển độc lập.

Ông Lê Hữu Lập, Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, năm nay Học viện vẫn xét tuyển dựa trên điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các điểm thi do các trường ĐH chủ trì với 3 tổ hợp Toán - Lý - Hóa; Toán - Văn - Ngoại Ngữ; Toán - Văn - Anh. “Chúng tôi có nghe nói tới xét tuyển theo nhóm nhưng không tham gia bởi xét tuyển theo nhóm chỉ phát huy hiệu quả khi sử dụng chung một phương thức cho những trường cùng thứ hạng, cùng ngành đào tạo thì mới giảm được thí sinh “ảo”, còn nhiều ngành, nhiều trường không đồng hạng thì câu chuyện giảm ảo chỉ là mơ hồ”.

Chung quan điểm, ông Cao Quốc An - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp cho hay: ĐH Lâm nghiệp cũng không tham gia nhóm lớn, vì chưa biết nó tác dụng thế nào, nhóm phải là những trường tương xứng thì mới hy vọng có nguồn tuyển dồi dào. “Khi ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập nhóm GX, chúng tôi không tự nguyện đăng ký vì mình là trường top giữa ít có cơ hội nhận được sự chia sẻ thí sinh từ những trường top trên. Nếu Bộ GD&ĐT lập nhóm lớn có quy mô gần như cả nước, trường sẽ tham gia vì không muốn đứng tách biệt”, ông An chia sẻ.

Đến nay, nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng cho biết, họ không muốn tham gia nhóm vì đã có đề án tuyển sinh riêng. Nhiều trường sử dụng 2 phương thức xét tuyển (xét tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia) cũng không hào hứng tham gia nhóm. Với những trường xét tuyển có nhiều tiêu chí phụ, việc theo nhóm càng phức tạp. Một số trường địa phương, ngoài công lập vốn khó tuyển sinh, tham gia vào nhóm không chủ động được điểm trúng tuyển. Vì thế, nhiều trường chọn hướng đứng độc lập.

 

Theo Thanh tra, nguồn: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-truong-khong-man-ma_t114c8n105015