Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện trọng trực tuyến và bằng phiếu, các trường đại học ghi nhận sự tăng, giảm số lượng thí sinh và sự dịch chuyển nguyện vọng giữa các trường top cao đến giữa và thấp. Đại diện một số trường nhận định điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ tăng.

Ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM thông tin kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng, khoảng 18.171 thí sinh đăng ký vào trường. Số nguyện vọng có thể là trên 20.000, trong khi năm 2017 trường chỉ tuyển sinh 2.570 sinh viên.

“Như vậy, có thể nhận định điểm chuẩn các ngành của trường chắc chắn sẽ tăng và khả năng tăng cao ở các ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh”, ông Hướng cho biết.

Năm học 2017-2018, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM tuyển sinh 2.180 chỉ tiêu hệ đại trà và 390 chỉ tiêu hệ chất lượng cao. Điểm chuẩn của trường năm 2016 từ 16-21,5.

Nhiều trường đại học ở Sài Gòn đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến

Thí sinh trong đợt điều chỉnh nguyện vọng

Tương tự, đối với ĐH Kinh tế TP.HCM, sau ngày 23/7, hơn 40.000 thí sinh đăng ký vào trường, giảm khoảng 7.000 em so với số lượng đăng ký vào tháng 4.

Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá việc thí sinh rút nguyện vọng là điều dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý.

“Sau khi trường đưa ra điểm sàn để nhận hồ sơ khá cao, có ngành lên đến 20 điểm, những thí sinh không đạt mức này buộc phải thay đổi nguyện vọng vào các trường. Đây là điều hoàn toàn bình thường”, ông Đương nói.

Năm nay, ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu ở 6 nhóm ngành. Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế TP.HCM từ 18-21, chưa kể các ngành có điểm nhân đôi hệ số môn Toán và tiếng Anh.

Một trường khác cũng có số lượng thí sinh giảm là ĐH Nông lâm TP.HCM. Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng ngày 23/7, trường có hơn 27.000 lượt thí sinh đăng ký vào các ngành, giảm khoảng 1.100 thí sinh so với số liệu hồi tháng 4.

“ĐH Nông lâm TP.HCM đưa ra điểm sàn xét tuyển từng ngành khá cụ thể, việc thí sinh điều chỉnh nguyện vọng để có cơ hội cao hơn là điều dễ hiểu. Như vậy, dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ nhích lên từ 1-3 điểm so với điểm sàn trường công bố để xét tuyển.

Nhiều khả năng, ở hai phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm chuẩn sẽ ngang với năm ngoái”, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, dự đoán.

Năm nay, ĐH Nông lâm TP.HCM tuyển sinh 4.745 chỉ tiêu cho cả 3 cơ sở đào tạo. Năm 2016, điểm chuẩn của trường dao động từ 15-24.

Khác với các trường hợp trên, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng so với số liệu hồi tháng 4.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay 17.546 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, tăng hơn 1.000 thí sinh so với con số 16.400 hồi tháng 4.

Ông Sơn cho biết sở dĩ số lượng đăng ký tăng lên có thể do có 5 ngành mới của trường được đưa vào đào tạo chính thức và thông tin cũng mới cập nhật vào tháng 6.
Theo ông Sơn, đánh giá trên số liệu này, các ngành sẽ có mức điểm chuẩn không tăng nhiều hơn so với năm ngoái.

“Dự báo điểm chuẩn các ngành xét từ kết quả thi THPT sẽ có tăng lên nhưng không nhiều, có thể dao động trong khoảng 0,5-1,5 điểm, tùy theo ngành. Các ngành truyền thống thuộc khối công nghiệp thực phẩm và kinh tế, điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5-1,5.

Với những ngành xét tuyển bằng học bạ, đến nay, vẫn không nhiều hồ sơ, dự đoán các ngành sẽ có mức điểm trúng tuyển bằng năm 2016”, thạc sĩ Sơn thông tin thêm.

Năm 2016, điểm trúng tuyển vào các ngành của trường từ 15,5-20,25. Các ngành mới, điểm trúng tuyển từ 15,5-17. Các ngành truyền thống từ 17,5-20,25 điểm.

Theo Zing.vn

>> Xem thêm: Điểm chuẩn các trường đại học 2017Thông tin tuyển sinh quốc gia