Đại học Huế tuyển bổ sung hơn 4.000 chỉ tiêu, trong đó có hơn 3.800 cho trình độ đại học bằng xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Ngưỡng nhận hồ sơ của đợt này là 15,5 cho tất cả tổ hợp xét tuyển, không nhân hệ số, tính theo thang điểm 30.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần bổ sung 1.370 chỉ tiêu cho hai phương thức xét điểm thi THPT quốc gia và xét học bạ. Đại học Thủy lợi cũng tuyển bổ sung gần 1.000 sinh viên cho các mã ngành đào tạo.
Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi Nguyễn Tuấn Anh cho biết, số thí sinh nhập học năm nay khoảng 78%, thấp hơn năm trước 17%. Nhiều em khi được nhà trường gọi hỏi đã giải thích rằng, do đỗ nguyện vọng 3-4 nên không thích học, số khác chọn vào cao đẳng...
Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi Nguyễn Tuấn Anh cho biết, số thí sinh nhập học năm nay khoảng 78%, thấp hơn năm trước 17%. Nhiều em khi được nhà trường gọi hỏi đã giải thích rằng, do đỗ nguyện vọng 3-4 nên không thích học, số khác chọn vào cao đẳng...
"Việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh mang tính nhân văn, nhưng cũng là nhược điểm của quy chế thi năm nay. Rất nhiều em đỗ nguyện vọng 3-4 trở đi đã không nhập học. Với nhiều em, việc trúng tuyển từ nguyện vọng 3 chỉ là hình thức, để đỡ bị mang tiếng trượt đại học chứ thực chất không hứng thú gì. Nhiều trường tốp dưới do vậy đã thiếu chỉ tiêu nhập học, có trường chỉ đạt 18% và phải tuyển bổ sung", PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mở TP HCM cho biết, trường sẽ tuyển sinh bổ sung đợt 1 với 600 chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, điểm nhận hồ sơ hệ đại trà 18,5-20,75 và hệ chất lượng cao 15,5-19.
Theo ông Hà, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không nhập học vì nhiều lý do như đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ ở trường khác, đi du học hoặc chọn các hệ đào tạo khác mà không vào đại học.
Năm nay, Đại học Mở có 3.350 chỉ tiêu, trường gọi trúng tuyển hơn 3.500 thí sinh, song chỉ 2.800 em đến nộp phiếu điểm thi THPT quốc gia xác nhận nhập học.
Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM tuyển bổ sung 625 chỉ tiêu. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất là các ngành Quản lý đất đai, Công nghệ thông tin, Quản lý tài nguyên và môi trường 18,5; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường 17; các ngành còn lại 15,5. Năm nay, trường có hơn 1.600 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ 1.000 thí sinh nhập học.
Tương tự, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM cũng thiếu khoảng 300 thí sinh xác nhận nhập học trong đợt 1 nên tuyển bổ sung số này cho ba ngành đào tạo đại trà và năm ngành chất lượng cao. "Với 2.500 chỉ tiêu, trường gọi trúng tuyển gần 3.000 thí sinh nhưng chỉ 2.000 em xác nhận nhập học", đại diện phòng Đào tạo trường thông tin.
Đại học Tôn Đức Thắng xét tuyển nguyện vọng bổ sung đại học chương trình hai năm đầu học tại các cơ sở Nha Trang, Bảo Lộc và Cà Mau. Mức điểm xét tuyển 17-18,25 cho các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Luật, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật điện - điện tử...
Đại học Công nghiệp TP HCM cũng tuyển bổ sung 1.000 (trong tổng số 6.915) chỉ tiêu cả hai hệ chính quy đại trà và chất lượng cao. Chuẩn đầu vào của 27 ngành hệ chính quy và 15 ngành hệ chất lượng cao Đại học Công nghiệp TP HCM năm nay dao động 16,5-23,5.
Trong khi đó, hàng loạt các trường đại học ngoài công lập tại TP HCM cũng thiếu hàng nghìn chỉ tiêu. Đại học Công nghệ TP HCM phải tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu cho tất cả ngành với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm trúng tuyển nguyện vọng 1.
Điểm chuẩn trường này năm nay từ 16 đến 21 (cao hơn 0,5-5,5 so với năm ngoái). Riêng ba ngành Thú y, Kinh doanh quốc tế và An toàn thông tin với 200 chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ là 15,5.
Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu cho tất cả ngành với mức điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1. Ba ngành Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế và Ngôn ngữ Nhật nhận hồ sơ từ 16 điểm.
Nhiều trường khác phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu như Đại học Nguyễn Tất Thành hơn 1.500 chỉ tiêu, Đại học Hồng Bàng 1.600 chỉ tiêu...
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho rằng, "nguồn cung" thí sinh cho các trường tuyển bổ sung này sẽ dao động 18-23 điểm. Trong đợt này, thí sinh sẽ ít sự lựa chọn hơn bởi các ngành học hấp dẫn gần như đã được lấp đầy từ đợt 1.
"Thí sinh cần suy xét thấu đáo, tham khảo nhiều nguồn thông tin để không phung phí cơ hội trong đợt này", ông Dũng khuyên.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 12h ngày 8/8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt một làm thủ tục xác nhận nhập học, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. 57 trường đạt tỷ lệ nhập học từ 90% trở lên; 74 trường đạt 70-90%; có 65 trường tỷ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.
Theo VnExpress