Nhóm GX muốn thu hút nhiều trường
Chiều 31-10, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhóm GX đã tổ chức tuyển sinh riêng dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2016. Đây là nhóm gồm 12 trường đại học và học viện trong khu vực Hà Nội cùng thực hiện một phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 theo đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường đã được Bộ GD-ĐT thông qua. Cụ thể: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, ĐH Thăng Long, Học viện Chính sách phát triển, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Với kết quả nổi bật là việc hạn chế thí sinh ảo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký dự tuyển cho thí sinh, đa số các trường nói trên đều thống nhất sẽ duy trì nhóm trường GX. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tớp cho biết, năm 2017, nhóm này không có chủ trương tổ chức thi riêng mà sẽ dựa vào kết quả tuyển sinh kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Về ý kiến đề xuất nhóm GX tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng như mô hình của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, các thành viên cho rằng, việc này phải chuẩn bị rất nhiều thời gian, trong khi đó vẫn có thể sử dụng luôn kết quả đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội nên không cần thiết.
Dù tỷ lệ thí sinh ảo chung của nhóm GX chỉ vào khoảng 30%, thấp hơn dự kiến nhiều trong kỳ tuyển sinh 2016 nhưng theo ông Trần Văn Tớp, để tiếp tục giảm con số này, cần nâng số lượng các trường tham gia.
“Càng nhiều trường tham gia nhóm GX thì tỷ lệ ảo sẽ càng giảm. Do đó, năm nay, nhóm sẽ mời thêm một số trường. Nếu đạt đến con số 25-30 trường thì con số ảo sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Trần Văn Tớp khẳng định. Đề án tuyển sinh 2017 cụ thể của nhóm này sẽ được công bố sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH 2017.
Sớm lấy ý kiến về quy chế thi quốc gia
Dự kiến trong tuần này, Bộ GD-ĐT công bố các dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH để lấy ý kiến. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc tổ chức thi và tuyển sinh từng năm.
Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn. Điều này tác động tích cực trong việc đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT, để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài kết quả thi THPT, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án tuyển sinh riêng để xét tuyển. Một số trường có tính đặc thù về năng khiếu, thuộc nhóm nghiên cứu hoặc những trường yêu cầu tuyển sinh với mức độ cao thì có thể đưa ra phương án tổ chức thi riêng hoặc thi thêm các hình thức khác để tuyển chọn thí sinh. Số lượng thí sinh tham gia dự thi theo phương án tuyển sinh riêng hay phải thi thêm các hình thức khác chiếm số lượng nhỏ, không lên đến hàng triệu thí sinh như trong kỳ thi THPT quốc gia nên sẽ nhẹ nhàng, không quá tải đối với thí sinh.
ĐHQG Hà Nội cũng đã đưa ra phương hướng tuyển sinh năm 2017. Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo tiếp tục triển khai phương thức thi đánh giá năng lực năm 2017 cho ĐHQG Hà Nội cùng 20 đơn vị ngoài với quy mô mở rộng ở trên cả nước.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn trong công tác tuyển sinh năm 2017 thông qua việc rà soát, bổ sung số lượng, chất lượng câu hỏi của ngân hàng đề thi, gia tăng tính chất đánh giá năng lực của bộ đề và tăng cường yếu tố bảo mật đề thi, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm cho việc thi và xét tuyển".
Theo lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, đơn vị này sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị ngoài trường nếu có mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội để phục vụ tuyển sinh của các trường trong năm 2017.
Theo ANTĐ, nguồn: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-truong-da-co-phuong-an-tuyen-sinh-2017/706826.antd