Nhiều trường có nguy cơ đóng cửaSau 3 đợt tuyển sinh, với lượng hồ sơ ít ỏi, nhiều trường ĐH, CĐ tiếp tục tuyển sinh đợt 4 với hi vọng "vét" thí sinh. Ảnh: HH

135 trường chỉ tuyển được dưới 50%

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hết đợt xét tuyển thứ 2, các trường ĐH, CĐ đã tuyển được 89,75% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, các trường ĐH xét tuyển được 391.930 chỉ tiêu; CĐ xét tuyển được 71.607 chỉ tiêu. 146 trường đã tuyển hết chỉ tiêu; 162 trường tuyển được từ 50% trở lên; và có tới 135 trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.

Nhiều trường ĐH, CĐ khó có “đất sống” khi đến giờ phút này vẫn không tuyển được thí sinh. Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội hiện vẫn còn thiếu tới 9.000 chỉ tiêu; Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Thọ chưa có thí sinh nào đến nộp hồ sơ…

Tại các trường ĐH, tình trạng cũng không khá hơn như: Dân lập Phương Đông, Dân lập Hải Phòng, Công nghiệp Việt - Hung, Hoa Lư Ninh Bình, Công nghệ Đông Á, Công nghiệp Dệt may Hà Nội, các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên…

Đại diện Trường ĐH Sao Đỏ cho biết, trường mới tuyển được khoảng 1.000 thí sinh, trong khi chỉ tiêu là 3.800 (bậc ĐH). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo xét tuyển đến 1.500 chỉ tiêu bổ sung, nhưng nhận được chưa đến 100 hồ sơ.

Lãnh đạo nhiều trường cho biết, nhận được hồ sơ của thí sinh rồi vẫn chưa hết lo bởi thực tế số lượng trúng tuyển các đợt trước đến nhập học cũng thưa thớt. Có những trường cố hết sức cũng chỉ vét được 5% thí sinh đến nhập học như Trường Trung cấp Công Nghệ Thông Tin Sài Gòn.

Khó có “đất sống”

Nói về thực trạng tuyển sinh năm 2015 ở các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả tuyển sinh năm nay đã phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH, CĐ; không phân biệt trường công lập, ngoài công lập, trình độ CĐ hay ĐH.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, đây là hệ quả tất yếu để đào thải các trường kém chất lượng. PGS. TS Lê Hữu Lập, phát ngôn báo chí Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nhìn nhận: Thực tế hiện nay đào tạo ra nhiều nhưng thất nghiệp cũng không ít. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân chất lượng đào tạo quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều phụ huynh, thí sinh không còn tâm lý “cứ đi học rồi ra trường tính sau” nữa mà đã có tính toán xem nên học trường nào để bảo đảm khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm.

Trường ĐH, CĐ nào không bảo đảm chất lượng đào tạo sẽ không thu hút được thí sinh. Trong tuyển sinh 2015, quy chế đã “mở” hết mức khi thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT cũng có thể đỗ ĐH, nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển sinh. Có thể khẳng định, đây là xu thế hợp lý trong phát triển giáo dục ĐH, cần “đào thải” những trường chất lượng kém.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang - một trong số ít các trường CĐ đến giờ phút này đã tuyển đủ chỉ tiêu cho rằng, với cách xét tuyển mới như năm nay, việc các trường CĐ hay ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu không phải là điều khó hiểu, đây là khó khăn chung nhưng cũng là cơ hội để các trường phải đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo nếu không muốn tự tay đóng cửa trường.

Theo Thanh tra, nguồn: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-truong-co-nguy-co-dong-cua_t114c8n93902