Ông Nguyễn Ngọc Thức - hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 1 - cho biết với 500 chỉ tiêu CĐ năm 2017, đến nay trường đã tuyển được gần 300 chỉ tiêu. “Với tốc độ này, trường dự kiến tuyển đủ chỉ tiêu.
Riêng hệ trung cấp, mọi năm trường không đào tạo, nhưng năm nay bắt đầu tuyển sinh. Hiện trường đã tuyển được 100 chỉ tiêu với đối tượng trên, từ học sinh tốt nghiệp THCS” - ông Thức nói.
Thay đổi cách tiếp cận thí sinh
Theo ông Thức, để đạt kế hoạch tuyển sinh đề ra, trường đã thay đổi hướng truyền thông. Năm 2017, trường tập trung tuyên truyền tuyển sinh cho bậc CĐ tại các trường THPT có chất lượng vừa phải, trường bán công, trường ngoài công lập.
Thậm chí Trường CĐ Xây dựng số 1 còn tìm đến những học sinh không có nhu cầu học ĐH, học sinh có kết quả học tập trung bình không có khả năng vào ĐH để thông tin về các ngành nghề đào tạo của trường.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, phó hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện tử - điện lạnh Hà Nội, cho biết năm 2017 trường dự kiến tuyển 1.050 chỉ tiêu CĐ và trung cấp. Theo kế hoạch, sẽ có 3 đợt nhập học.
Trong đó đợt đầu tiên vào tháng 7 đã có 200 thí sinh nhập học. Đợt thứ 2 vào ngày 14-8 cũng có hơn 500 hồ sơ đăng ký. “Dự kiến trường có thể đạt được chỉ tiêu đề ra khi xét tuyển đến đợt nhập học cuối cùng” - ông Dũng nói.
Ở khu vực phía Nam, các trường CĐ vẫn đang chờ thí sinh xét tuyển do tình hình thí sinh nhập học năm nay thấp hơn mọi năm. Ông Lâm Văn Quảng - hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM - cho hay sau hai đợt xét tuyển, đến nay có hơn 500 thí sinh nhập học trên 1.200 chỉ tiêu.
“Hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 cao hơn chỉ tiêu rất nhiều. Chúng tôi chờ vài ngày nữa hết hạn nhập học mới quyết định có xét tuyển đợt 3 hay không” - ông Quảng nói.
Tuy là trường tư nhưng đến nay Trường CĐ Viễn Đông đã có 1.500 thí sinh nhập học ở tất cả các ngành. Trong số này, nhiều thí sinh có điểm thi THPT quốc gia đạt 18-20 điểm.
Hiệu trưởng Trần Thanh Hải cho biết trường có chính sách miễn học phí toàn khóa cho những thí sinh đạt trên 20 điểm xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin.
“Với những thí sinh không vào ngành công nghệ thông tin, chúng tôi giảm học phí 50% học kỳ đầu tiên và tiếp tục cấp học bổng 50% nếu kết quả đạt loại giỏi” - ông Hải giải thích.
TS Phan Thị Hải Vân - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex - chia sẻ công tác tuyển sinh năm nay trường thực hiện có khác mọi năm khi đa dạng kênh tiếp cận thí sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này tỉ lệ nhập học mới đạt dưới 50%, trong khi trường có hơn 2.400 thí sinh đăng ký xét tuyển (đợt 2).
Nâng chất, chăm lo cho người học
Để thu hút thí sinh theo học CĐ, ông Nguyễn Ngọc Thức nhận xét: “Bài học sống còn để tăng sức hút tuyển sinh là phải nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đã đầu tư 2.500m2 làm xưởng để học sinh thực hành.
Trước đây, thực hành trong đào tạo cũng được chú ý, nhưng nhiều khi chỉ là vận dụng lý thuyết để làm những bài tập nhỏ. Còn hiện nay chúng tôi yêu cầu sinh viên làm những bài thực hành vận dụng được trong thực tế, như sinh viên phải bóc tách dự toán công trình cụ thể, đọc và thực hành bản vẽ trên công trình thực tế thay vì những bài tập được giao”.
Còn theo ông Trần Thanh Hải: “Hiện nay, nhiều em mới vào trường chưa hiểu ngành nghề mình học sau này sẽ làm gì. Vì vậy, trường tổ chức những buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp lớn để sinh viên phần nào hiểu được công việc sau này.
Doanh nghiệp không chỉ cung cấp giảng viên cho trường, mà còn là nơi sinh viên thực tập cũng như sử dụng nguồn lực của trường sau khi đào tạo. Việc gắn kết này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên”.
Ông Trần Mạnh Thành - phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt - chia sẻ: ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, trường cũng chú trọng chăm lo cho sinh viên ở các khía cạnh khác. Một cơ sở của trường đã được cải tạo thành ký túc xá khang trang, các phòng có máy lạnh...
Tuyển sinh trung cấp khởi sắc Theo Ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề - cho biết theo kế hoạch, năm 2017 hệ trung cấp và CĐ (trừ đào tạo sư phạm) dự kiến tuyển mới 540.000 học sinh, sinh viên. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành trên cả nước, 6 tháng đầu năm 2017 bậc đào tạo CĐ, trung cấp đã tuyển sinh được gần 60.000 người, đạt trên 11% so với kế hoạch. Kết quả này cho thấy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác tuyển sinh, thực hiện đào tạo có địa chỉ, có đầu ra. Nhiều trường đã cam kết giải quyết việc làm cho người học, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm cho người học sau khi ra trường. Riêng trình độ đào tạo trung cấp có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng: tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2017 tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhiều trường đến hết tháng 7-2017 đã tuyển sinh xong đợt 1, đạt 50-70% so với quy mô, như CĐ nghề Lạng Sơn đạt 348/400 chỉ tiêu đăng ký; CĐ nghề nông lâm Đông Bắc - đợt 1 trên 500 thí sinh, đợt 2 đến tháng 9 mới nhập học nhưng hiện đã có trên 400 hồ sơ (tổng đã vượt chỉ tiêu). Ngoài ra, có trường đến hết tháng 6-2017 đã tuyển được 500-600 thí sinh nhập học đợt 1 như Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội… |
Theo Tuổi trẻ