Nhiều thắc mắc trước kỳ thi quốc gia: Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đang đến gần nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn băn khoăn, thắc mắc trước những thông tin trái chiều. Nếu Bộ GD&ĐT không ban hành những thông tin chính thống để sớm hướng nghiệp cho các học sinh sẽ rất khó để ổn định tình hình.
Học sinh phải di chuyển hàng trăm cây số để thi?
Ngày hội hướng nghiệp mở lần 8 diễn ra ngày 11/1 tại TPHCM do ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức đã thu hút hơn 6.500 học sinh đến từ 250 trường THPT cùng đại diện 15 sở GD & ĐT từ Quảng Nam trở vào tham gia.
Ông Phạm Văn Hồng, Phó giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, vì đây là dự thảo nên nhiều thông tin không biết như thế nào? Trong khi đó, dư luận lại có rất nhiều thông tin khác nhau, khiến cho phụ huynh, học sinh đang rất hoang mang. “Chúng tôi chỉ có thể trấn an phụ huynh, học sinh qua thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT, vì vậy, Bộ cần sớm ban hành những thông tin pháp lý chính thống để chúng tôi sớm hướng nghiệp các em”, ông Hồng nói.
Tuyển sinh 2015: Nhiều thắc mắc về đề thi quốc gia năm 2015
Ông Hồng cho biết thêm, Sở nghe thông tin tỉnh Vĩnh Long được chọn làm điểm thi THPT Quốc gia năm 2015, tuy nhiên lại có thông tin 10.000 học sinh của tỉnh sẽ phải về tỉnh Trà Vinh để tham gia kỳ thi này, như vậy học sinh sẽ phải di chuyển cả trăm cây số để đi thi. “Tôi xin hỏi Bộ GD & ĐT, thông tin đó như thế nào?”- ông Hồng đặt câu hỏi. Còn ông Dương Đình Đồng, Hiệu trưởng trường THPT Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến: “Các thông tin đến giờ chúng tôi truyền đạt cho học sinh chưa có gì chắc chắn cả, tất cả đều là dự thảo. Những ý kiến của các em thắc mắc giờ là khối thi, tổ hợp môn thi, vấn đề thi như thế nào… thông tin cực kỳ ít”.
Trả lời vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD & ĐT cho biết: “Dù là dự thảo, các thầy cô vẫn phải truyền đạt đến các em học sinh”. Theo ông Nghĩa, Dự thảo Quy chế thi THPT 2015 đã được chuyển đến các sở GD&ĐT, các trường nên họp lại và nếu có kiến nghị gì thì có thể gửi đến Sở và Bộ để nắm tình hình.
Nhiều thắc mắc trước kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2015
Ông Nguyễn Đình Phùng, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, tỉnh An Giang cho biết: “Trong những điểm đổi mới thì đề thi vẫn được chúng tôi quan tâm nhất, đặc biệt là giáo viên, học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc…”. Theo ông Phùng, nhiều học sinh băn khoăn, với thang điểm 20 thì đề thi sẽ nhiều câu hỏi hơn, độ khó cao hơn.
Rồi đề thi Bộ tiết lộ nằm ở lớp 12 thì chung chung quá, cụ thể phần nào, cấu trúc ra sao…? “Chúng tôi còn một nỗi lo nữa là không biết học sinh của tỉnh sẽ thi ở đâu trong khi kỳ thi sắp đến rồi”, ông Phùng nói. Ông Trần Văn Nghĩa giải thích: “Nếu học sinh ở tỉnh có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh thì có thể đề xuất cụm thi ở Sở và Bộ sẽ cử trường đại học tại TPHCM về hỗ trợ”. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, giáo viên tỉnh Tây Ninh thắc mắc: “Thực tế có một số ngành dùng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển, đặc biệt là nhiều tổ hợp môn mới, như vậy, học sinh có được xét tuyển vào cùng một ngành với nhiều tổ hợp môn được không?”.
Một giáo viên tỉnh Bình Phước thắc mắc học sinh vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, Bình Phước có tiếp tục được xét tuyển thẳng... Theo ông Nghĩa, những học sinh vùng sâu, vùng xa vẫn được xét tuyển thẳng bình thường. “Còn về tổ hợp môn, các tổ hợp môn truyền thống sẽ chiếm 75% chỉ tiêu, các tổ hợp môn mới sẽ chiếm 25% nên các em cần cân nhắc khi chọn thi và xét tuyển”, ông Nghĩa nói.
Theo báo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhieu-thac-mac-truoc-ky-thi-quoc-gia-809293.tpo
Video được xem nhiều trong ngày: Đào tạo kỹ năng thuyết trình và nói trước công chúng