Hiện nay, có khá nhiều nhân tố tác động đến việc lựa chọn của thí sinh. Điều này dẫn đến nhiều ngành học có cơ hội việc làm khá tốt nhưng lại lấy điểm thấp và không thu hút được nhiều thí sinh.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành tại phân hiệu Vĩnh Long

Trường ĐH Kinh tế TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành tại phân hiệu Vĩnh Long

Mới đây, ĐH Kinh tế TPHCM vừa thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành 2022 dành cho thí sinh trên cả nước tại phân hiệu Vĩnh Long.

Năm nay, nếu điểm chuẩn các ngành Sư phạm vươn lên mạnh mẽ, các ngành thuộc nhóm Kinh tế, Công nghệ thông tin ổn định ở top đầu, thì nhiều ngành học lấy điểm chuẩn thấp, từ 5 điểm mỗi môn đã có thể trúng tuyển. Những ngành này chủ yếu thuộc nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, mỏ - địa chất, kỹ thuật xây dựng.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nha Trang, cho biết dù cơ hội việc làm tốt (với tiềm năng từ vùng biển rộng lớn của đất nước), nhưng điểm chuẩn của các ngành Nuôi trồng, Khai thác thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Kỹ thuật môi trường biển đã nhiều năm nay lấy điểm chuẩn ở mức 15-16.

Theo ông Phương, thí sinh chủ yếu chọn các ngành học "hot", có công việc, môi trường làm việc sạch đẹp như kinh doanh, kinh tế, công nghệ thông tin, văn phòng. Trong khi nếu theo các ngành kỹ thuật, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, tàu thủy, người làm phải trực tiếp tham gia quy trình, hoạt động kỹ thuật nhà máy, hay hoạt động trên biển nên môi trường làm việc vất vả hơn.

Nhiều ngành học lấy điểm chuẩn 2022 thấp nhưng có cơ hội việc làm cao - Ảnh 1

Nhiều ngành học lấy điểm chuẩn 2022 thấp nhưng có cơ hội việc làm cao

"Mỗi năm, trường ghi nhận hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực về thủy sản, kỹ thuật đến tìm người, đặt hàng nhân lực ngay từ năm học thứ hai, mức lương đưa ra tối thiểu là 10 triệu đồng một tháng nhưng vẫn gặp khó khăn", ông Phương nói.

Tình hình cũng tương tự với nhiều ngành trong nhóm Kỹ thuật xây dựng của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Đại học Mở TP HCM.

PGS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết đây là tình trạng nhiều năm qua. Năm nay, ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông... của trường lấy điểm chuẩn từ 15 nhưng hiện vẫn chưa đủ chỉ tiêu.

"Số lượng tuyển sinh đầu vào cho các ngành này hiện còn thiếu, năm nay có thể sẽ là năm đầu tiên trường phải tuyển bổ sung", ông Hải nói.

Tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, 20 trong số 42 ngành học lĩnh vực tài nguyên, địa chất, kỹ thuật, môi trường có mức điểm từ 15-16 như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Đá quý Đá mỹ nghệ. PGS Triệu Hùng Trường, Phó hiệu trưởng, cho biết các ngành "hot" của trường có điểm đầu vào cao như Quản trị kinh doanh, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán đều đã thừa chỉ tiêu. Những ngành học lấy điểm thấp thì hầu hết là các ngành đào tạo truyền thống, là thế mạnh của trường nhưng rất khó trong tuyển sinh.

Cả ông Hải và ông Trường đều khẳng định nhu cầu nhân lực các ngành này rất lớn vì hàng năm, nhiều công ty liên hệ tới trường tuyển người với mức lương ổn định, từ 10 triệu đồng một tháng trở lên.

Trước tình hình tuyển sinh kém, lãnh đạo các đại học đều tỏ ra lo ngại.

"Trong vòng 5 năm tới, nếu số lượng thí sinh đăng ký học các ngành về địa chất, tài nguyên, kỹ thuật, khoáng sản còn ít như hiện tại, trường sẽ khó duy trì tuyển sinh các ngành học này", ông Trường nói. Theo ông, việc không thể duy trì ngành học sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ chuyên gia chất lượng cao, trong khi nguồn nhân lực qua đào tạo bài bản sẽ thiếu trầm trọng.

Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói, dù nhiều ngành kém hấp dẫn, trường vẫn đào tạo, không thể bỏ. "Nếu vì thí sinh ai cũng chọn ngành 'hot' như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính mà các trường không tuyển sinh thì sẽ thiếu nguồn nhân lực trầm trọng cho các ngành này trong khoảng 5-10 năm tới", ông Hải cho hay.

TS Tô Văn Phương cho rằng các trường cần cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc liên kết chương trình học ở những ngành môi trường, chế biến, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật tàu thủy, để đào tạo được đội ngũ kỹ sư, nhân lực có trình độ cao, phát triển thế mạnh của đất nước. Đại học Nha Trang đã liên kết cùng một tập đoàn xuất khẩu tài trợ 100% chi phí học tập cho sinh viên các ngành thủy sản.

"Trong khoảng 3-5 năm tới, nếu các trường có ngành đào tạo và các doanh nghiệp không đẩy mạnh chính sách việc làm, nâng cao mức lương cơ bản, lượng thí sinh theo học các ngành giảm mạnh sẽ dẫn tới thiếu nguồn nhân lực kế cận chất lượng, không thể khai thác hiệu quả thế mạnh của nước nhà", ông Phương nói.

> Hai lớp học có 100% học sinh đỗ đại học 2022

> Trường học tại Hà Nội giúp đỡ trường Hà Giang

Theo VnExpress