Năm nay, lần đầu tiên giảng viên trường ĐH về từng trường phổ thông nên có nhiều chuyện lạ chưa từng xảy ra trước đây.
Ăn, ngủ tại điểm thi
7 giờ 30 sáng nay, chuyến xe đầu tiên chở cán bộ coi thi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM di chuyển từ TP.HCM tới Bình Phước. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng, cho biết từ 2 tháng trước trường đã đi khảo sát thực tế từng điểm thi và chủ động đặt cọc chỗ ăn ở phục vụ cho cán bộ, giảng viên của trường.
Tuy nhiên, riêng điểm thi tại xã Lộc Hiệp (H.Lộc Ninh) do điều kiện thực tế khó khăn nên trường phải bố trí cán bộ coi thi ở ngay tại điểm thi. Khu vực ở này vốn là phòng làm việc của trường phổ thông nhưng được bố trí biệt lập với khu vực thi. 6 cán bộ coi thi sẽ ăn ngủ, sinh hoạt ngay tại đây trong suốt các ngày thi. Vì vậy, trường đã chuẩn bị ghế bố, màn chống muỗi để giảng viên mang theo.
Đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết sắp tới có khoảng 300 cán bộ giảng viên của trường phải di chuyển hơn 200 km để hỗ trợ tổ chức thi. Tuy nhiên các công tác phối hợp tổ chức chưa tốt, trường phải chủ động hoàn toàn trong mọi khâu, từ di chuyển đến ăn nghỉ. “Có những huyện cho biết sẽ hỗ trợ xe máy cho cán bộ coi thi di chuyển trong các ngày thi. Tuy nhiên, có những điểm thi cách chỗ ở 2 - 3 km trong khi số lượng cán bộ coi thi rất đông thì phương án này dường như không ổn”, đại diện trường ĐH này cho biết.
Trong khi đó, một cán bộ khảo thí của sở GD-ĐT địa phương phối hợp với trường ĐH này cho biết tỉnh chỉ trả kinh phí cho trường theo đúng quy định nên trường phải tự lo ăn ngủ và đi lại, sở chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn.
Phương án ở ngay trong nhà dân
Tại phía bắc, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội, cho biết trường được Bộ GD-ĐT giao trách nhiệm phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi tại Hà Nội. Theo kế hoạch, 271 cán bộ giảng viên của trường sẽ tham gia coi thi tại 8 điểm thi ở Q.Hà Đông và H.Ba Vì, trong đó điểm thi xa nhất (Trường THPT Bất Bạt, Ba Vì) cách Hà Nội 76 km.
Ông Long cho biết: “Trong số 4 điểm thi tại H.Ba Vì, có điểm Trường THPT Bất Bạt điều kiện ăn ở hơi khó khăn. Nhà nghỉ tạm gọi là tiện nghi một chút cách điểm thi hơn chục cây số. Để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho kỳ thi, chúng tôi chọn chỗ trọ gần điểm thi để các thầy cô có thể đi bộ đến nơi coi thi, mặc dù không được tiện nghi lắm nhưng cũng đủ điều kiện sống tối thiểu như có điện thắp sáng, quạt, nước sạch sinh hoạt…”.
Theo ông Đặng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5, Nghệ An, khó khăn của trường là đóng tại địa bàn không phát triển dịch vụ lưu trú, vì thế trường đang phân vân để chọn một trong 2 phương án: bố trí chỗ nghỉ cho thầy cô ở các nhà nghỉ trên thị trấn tuy đầy đủ tiện nghi nhưng lại cách trường 12 km, hoặc nghỉ trong dân tuy thuận tiện đi lại nhưng điều kiện sinh hoạt còn khó khăn.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, yêu cầu đặt lên hàng đầu là tuyệt đối đảm bảo an toàn cho kỳ thi, với các vấn đề cụ thể, như: nơi bảo vệ đề/bài thi là phải tuyệt đối an toàn, an ninh; an toàn cho tất cả thành viên tham gia kỳ thi, đặc biệt là với cán bộ giảng viên các trường ĐH; tuyệt đối không để xảy ra những hiện tượng mất trật tự, đặc biệt là mất trật tự có tổ chức… trong và ngoài điểm thi. Dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phục vụ kỳ thi phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng, nhưng về phía ban chỉ đạo thi các cấp, các địa phương cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giảng viên khi về địa phương coi thi.
Theo ông Trinh, nếu bố trí chỗ nghỉ cho giám thị ở xa điểm thi thì cần phải có phương án xe đưa đón từ nơi ở đến điểm thi. Phương án ở trong dân chỉ dùng đến trong trường hợp bất đắc dĩ. Nếu có thể bố trí được một khu vực ngay trong trường làm chỗ ở tạm thời cho các thầy cô là tốt nhất.
Theo thanhnien.vn