Nhiều điều bổ ích từ hội trại “Bé làm khoa học”

Nhiều điều bổ ích từ hội trại “Bé làm khoa học”
GD&TĐ - Hội trại Bé làm khoa học lần thứ 4 vừa diễn ra vào ngày 12/4 tại khuôn viên Trường Tiểu học An Viên (Tiên Lữ, Hưng Yên), sau ba hội trại tổ chức thành công trước đó tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nam.

Đây cũng là hội trại cuối cùng của Dự án Bé làm khoa học do nhóm các cựu sinh Mỹ tại Việt Nam cùng Học Viện Khám Phá tổ chức.

Được thực hiện từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015, Dự án Bé làm khoa học đã tổ chức 96 buổi học cho 100 em ở nội thành Hà Nội, mỗi buổi học kéo dài 90 phút xung quanh một chủ đề như vật lý, hóa học, môi trường, không gian, địa lý và sinh học.

Ngoài ra, 4 trại khoa học dành cho khoảng 1.000 học sinh tại 4 tỉnh lân cận Hà Nội là Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam và Bắc Ninh. Mỗi trại khoa học cũng được thực hiện trong 90 phút, gồm 5 - 6 hoạt động mà nội dung chính là các bài giảng rút ngắn từ chương trình của khóa học khoa học.

Thông qua tổ chức và thực hiện các khóa học khoa học ngắn hạn và các trại khoa học theo bản quyền của High tough - High tech, Bé làm khoa học đã mang lại cho các em cái nhìn mới mẻ về thế giới xung quanh cũng như tình yêu với khoa học.


Nhiều điều bổ ích từ hội trại “Bé làm khoa học” - Ảnh 2
 Các học sinh trường tiểu học An Viên (Tiên Lữ- Hưng Yên) tại hội trại

Nếu như trước đây, khoa học là những điều xa vời, thì nay khoa học trở nên gần gũi, có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống xung quanh các em.

Việc vận dụng lý thuyết và thực hành tích hợp trong dự án đã giúp giờ học khoa học sống động hơn, hấp dẫn hơn, từ đó các em sẽ yêu thích, hứng thú và say mê với khoa học, cũng như giảm bớt sự khô khan của môn học.

Hội trại có 6 hoạt động khoa học là các thí nghiệm với các chủ đề: Dấu chân Carbon, Hãy thắp sáng lên, Nhà Manila, Động cơ phản lực, Nhà làm phim thông thái, Góc sáng tạo.

Việc trực tiếp tham gia các thí nghiệm khoa học không chỉ giúp các em hiểu được một số kiến thức khoa học, nắm bắt được kỹ năng một nhà khoa học cần có, mà các em còn có cơ hội trực tiếp làm ra những sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống từ những vật liệu đơn giản.

Nằm trong khuôn khổ cuộc thi Quỹ sáng kiến kết nối cựu sinh toàn cầu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức, Dự án Bé làm khoa học là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào 50 dự án xuất sắc nhất.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)