"Rải thảm"... đón đầu
Cuối năm học vừa rồi, chị Nguyễn T.M., phóng viên giáo dục của một kênh truyền hình ở TPHCM nhận được chỉ đạo của sếp đến làm quen và xem có thể làm phóng sự tại một số trường tiểu học “điểm” nằm ở quận 1. Chị nháo nhào đi hỏi đồng nghiệp nhờ kết nối, giới thiệu vì chị vào nghề chưa lâu, không phải trường nào cũng quen biết.
Lý do đến “tiếp cận làm quen” của chị theo “lệnh” không phải vì công việc chuyên môn mà... nói ra chị M. buông tiếng thở dài. Chị đến để “mở đường” cho sếp có dự định gửi con vào một trong các trường điểm. Phóng viên đến làm quen, rồi còn làm phóng sự khen ngợi... mọi thứ đã được “rải” sẵn thì hiệu trưởng rất khó để từ chối.
Đối với phóng viên giáo dục, có lẽ nỗi sợ lớn nhất của họ chính là được nhờ thăm dò chuyện chạy trường chạy lớp. Sếp này sếp nọ, người này người nọ... có những đề nghị họ không thể từ chối nên cũng phải mở lời “hỏi han” nhà trường. Việc “xin” được hay không chưa biết nhưng có người mất luôn mối liên hệ thông tin với trường vì vấn đề tế nhị này.
Gần đây, TPHCM đã đưa ra rất nhiều cách để “siết” việc chạy trường phổ biến lâu nay là theo được hộ khẩu. Như trẻ phải có hộ khẩu tại địa bàn từ 3 - 5 năm mới được vào trường nên việc chuyển nhà, nhập hộ khẩu vào nhà người quen không còn nhiều “cửa” để vào trường điểm.
Siết cái này thì phụ huynh lại tìm “kẽ hở” khác, họ tận dụng mọi mối quan hệ, kể cả quan hệ bắc cầu người này kéo theo người khác để tìm cho con chỗ học như mong muốn. Nhiều phụ huynh còn có kế hoạch "rải thảm” dài hơi từ nhiều năm trước.
Nhà ở vùng ven nhưng hai đứa con của chị N.H. ung dung học tại các trường tiểu học điểm ở quận 3. Học xong tiểu học, con gái đầu của chị dù không đúng theo phân tuyến vẫn thấy có tên ở một ngôi trường cấp hai có tiếng ngay ở trung tâm thành phố. Nói ra “chiêu” chạy trường của chị không ít người sẽ phải "bái phục" về độ tinh xảo với một kế hoạch dài hơi.
Mọi mối quan hệ xung quanh được chị quan tâm và đầu tư một cách có chủ đích. Chị nắm rõ ai có thể giúp con chị xin vào được trường và chăm sóc một cách chu toàn, thân thiết từ nhiều năm trước.
Ngoài quan hệ của mẹ, chị chú ý cả mối quan hệ của con. Khi con học tiểu học, chị đã “nhắm” vài bạn trong lớp là con cháu của lãnh đạo và tác động để con kết nối, chơi thân một cách rất tự nhiên. Kiểu như ở đâu có bạn Linh, ở đó sẽ có bạn Thùy.
Khi con học hết lớp 5, chị có cả vài ba lựa chọn vào các trường cấp hai điểm. Sau đó, con chị theo cô bạn thân là con của chủ tịch quận để vào trường. Chị chỉ cần nhờ vả rất nhẹ nhàng, còn mọi việc đã có cô con gái rượu của vị chủ tịch ấy lên tiếng giúp.
"Đeo mác" nhà tài trợ
Hiệu trưởng một trường tiểu ở Gò Vấp chia sẻ, gần đây họ không còn dễ bị “qua mặt” bởi những chiêu “chạy trường” cổ điển về giấy tờ thủ tục như nhập hộ khẩu cho con, chuyển nhà, cho con làm con nuôi... Nhưng có nhiều cách chạy trường họ rất khó để khước từ.
Có những người “đeo mác” mạnh thường quân, hợp tác và hỗ trợ với trường trong rất nhiều chương trình đầu tư cơ sở vật chất, phúc lợi xã hội. Họ rất rộng rãi với trường, có người còn cấp học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn... Có thể một vài năm sau thì họ đưa ra đề xuất “xin” một suất làm ban giám hiệu nhà trường rất lúng túng.
Nhưng việc khó xử nhất của hiệu trưởng, của những nhà quản lý giáo dục chính là... chạy trường thông qua các mối quan hệ. Ở trên gọi xuống xin cho con, cho cháu về quy trình là sai nhưng không dễ từ chối. Có người phải gánh quá nhiều suất nên loại phải xoay đủ cách giới thiệu sang trường khác có chất lượng tương đương để không mếch lòng.
Chưa kể, nhiều nhà quản lý cũng vì nhận được sự nhờ vả lại phải thể hiện “quyền uy” với hiệu trưởng. Tất cả mối quan hệ được phụ huynh tận dụng chồng lên nhau, lớp trên áp xuống lớp dưới. Còn hiệu trưởng, có khi họ cũng nghe râm ran “suất đó bao nhiêu tiền” đầy tai tiếng nhưng thật ra không có miếng.
TPHCM rất tích cực trong việc chống chạy trường, “siết” học sinh học trái tuyến. Mỗi mùa tuyển sinh thành phố đều phổ biến và quán triệt chặt chẽ phương án tuyển sinh xuống từng trường. Nhưng thật ra vấn nạn chạy trường chưa bao giờ nguội, thậm chí càng chống thì việc “chạy” lại biến hóa với nhiều chiêu trò mới.
Phương thức tuyển sinh nào phụ huynh cũng tìm được cách để luồn lách, nhất là việc “chạy” thông qua các mối quan hệ thì rất khó đưa ra phương án “cứng” nào để quản lý. Nói như một vị lãnh đạo, các trường được yêu cầu tuyển sinh công khai rộng rãi để tránh dư luận nhưng không thể nào tránh được việc dành ra tỷ lệ ưu tiên cho các mối quan hệ, ngoại giao. Để dẹp vấn nạn chạy trường còn phụ thuộc nhiều vào ý thức, chấp nhận sự công bằng từ chính phụ huynh.
Theo Dân trí